Chủ nhật, 24/11/2024 08:14 (GMT+7)
Chủ nhật, 22/05/2022 06:45 (GMT+7)

TP. Cần Thơ hướng tới thành lập trung tâm nông sản rộng 3.300ha

Theo dõi KTMT trên

Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức buổi hội nghị lấy ý kiến đóng góp về đề án thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: Là trung tâm của vùng ĐBSCL, Cần Thơ có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế.

"Vì thế, việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng là bước đột phá lớn để giúp các địa phương trong vùng phát huy được thế mạnh về nông nghiệp vốn đang bị kìm hãm bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu thô, không có sức cạnh tranh và tiêu thụ hiện nay chủ yếu thông qua các thương lái bị ép giá và chịu nhiều rủi ro”, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Theo dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, trung tâm dự kiến đến năm 2050 sẽ có quy mô khoảng 3.300 ha, được thực hiện tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy và xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Trong đó, giai đoạn 1 (2022 - 2027) sẽ được triển khai trên diện tích 450 ha, giai đoạn 2 sẽ triển khai trong giai đoạn 2027 - 2050.

TP. Cần Thơ hướng tới thành lập trung tâm nông sản rộng 3.300ha - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Nguồn vốn đầu tư sẽ xuất phát từ 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện hoạt động theo mô hình hoạt động và quản lý tương tự khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp và khu kinh tế.

Tại trung tâm, các hoạt động sẽ được thực hiện bao gồm sản xuất, chế biến nông sản, bên cạnh việc triển khai hệ thống kho bãi và khu phi thuế quan trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dự thảo đề án nhấn mạnh, các hoạt động của trung tâm này sẽ không tách rời mà liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị nông sản toàn vùng để dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động sản xuất, chế biến.

Cụ thể, tại trung tâm bao gồm các phân khu: Cung ứng dịch vụ logistics, xuất khẩu với quy mô 100 ha; phi thuế quan 100 ha; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ 25 ha và khu sản xuất, chế biến với 215 ha.

Đặc biệt, tại đây chỉ tập trung vào các hoạt động sản xuất, chế biến ở trình độ cao, ví dụ như sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ, phân bón nano, chế phẩm bảo vệ thực vật hữu cơ; Chế biến dược phẩm, mỹ phẩm, chế phẩm giá trị cao từ nông sản. Như vậy, đồng nghĩa với việc chỉ có các doanh nghiệp có quy trình sản xuất tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu thì mới được đầu tư vào trung tâm.

TP. Cần Thơ hướng tới thành lập trung tâm nông sản rộng 3.300ha - Ảnh 2
Sơ đồ Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Mặt khác, một hoạt động đặc trưng của trung tâm là cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp xuất khẩu nông sản đồng bằng sông Cửu Long ra thị trường quốc tế, do đó trung tâm cũng thu hút các nhà đầu tư sở hữu giải pháp công nghệ cao, nhà đầu tư nắm giữ chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Cũng phát biểu đóng góp tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Trần Thanh Nam chia sẻ: Trung tâm sẽ được thành lập theo cơ chế đặc thù, không chỉ là một khu công nghiệp, khu kinh tế mà sẽ vận dụng hết những chính sách để phục vụ cho nông sản các tỉnh miền Tây.

"Trung tâm hoạt động đa dịch vụ, đa chức năng và có thể sẽ hoạt động như một trung tâm dịch vụ hành chính công", ông Nam nói và cho biết để tránh tình trạng sản xuất, tiêu thụ chồng chéo thì trung tâm sẽ có sàn đấu giá giao dịch nông sản...

Ngoài ra, trong năm 2022 lãnh đạo các cấp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm, lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng và triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động Trung tâm theo Nghị quyết 45/2022/QH15.

Đến năm 2023, TP. Cần Thơ sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đưa trung tâm đi vào hoạt động.

Đồng thời, trong quá trình này sẽ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Giai đoạn đầu sẽ tập trung cho sản xuất, chế biến tinh, hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp.

An Nguyên (t/h)

Bạn đang đọc bài viết TP. Cần Thơ hướng tới thành lập trung tâm nông sản rộng 3.300ha. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới