Chủ nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT+7)
Thứ năm, 01/12/2022 18:50 (GMT+7)

TP.HCM: Nhiều sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp Nhà nước

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, UBND TP.HCM đã có báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn từ năm 2011 - 2021.

TP.HCM: Nhiều sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp Nhà nước - Ảnh 1
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình quản lý và sử dụng khu đất số 152 Trần Phú (quận 5, TP.HCM)

Thời gian vừa qua, UBND TP. HCM đã thực hiện 8 cuộc thanh tra tại 28 vị trí đất với tổng diện tích 5.949.956,80 m2. Kết quả thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm của doanh nghiệp/chủ đầu tư dự án trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn năm 2011 – 2021.

Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng hoặc hợp tác góp vốn bằng tài sản là công trình trên đất, sau đó chuyển quyền được thuê đất của Nhà nước và quyền được phát triển dự án, quyền thuê đất của Nhà nước cho các đối tác hoặc pháp nhân mới để toàn quyền thực hiện phát triển dự án.

Việc DNNN thực hiện góp vốn tham gia liên doanh, liên kết, hoặc thành lập công ty liên doanh, liên kết (gọi tắt là pháp nhân mới) để triển khai các dự án kinh doanh bất động sản thực chất là chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư nhưng không thông qua thủ tục đấu thầu chọn nhà đầu tư, hoặc đấu giá bán tài sản (dự án đầu tư).

Hoạt động này đã biến tướng bằng các kiểu hợp đồng như hợp đồng góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng,... nhưng bản chất vẫn là góp vốn quyền thuê đất.

Có trường hợp DNNN đã sử dụng Hợp đồng hợp tác để cập nhật thông tin biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó giao cho đối tác toàn quyền triển khai, thực hiện dự án, khai thác, kinh doanh dự án mà chưa được chủ sở hữu và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Khi hợp tác đầu tư, DNNN không thẩm định lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng làm cơ sở góp vốn; giao toàn quyền cho đối tác khai khác dự án và phân chia lợi nhuận cố định mà không cử nhân sự tham gia, hoặc cử nhân sự không có đủ năng lực chuyên môn tham gia Ban điều phối dự án.

DNNN đã sử dụng đất thuê của Nhà nước không đúng mục đích giao, thuê, sử dụng đất đai, mặt bằng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của đơn vị, không đúng phương án cổ phần hóa DNNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của các DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa, UBND TPHCM đề xuất một số giải pháp: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất công, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản công; xử lý và thu hồi ngay đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, các dự án có sai phạm trong đấu thầu, đấu giá.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa đảm bảo sử dụng đúng mục đích tại phương án sử dụng được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích. Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý đất đai điện tử.

Cần cơ chế bịt lỗ hổng trong Luật Đất đai!

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, “lỗ hổng vô cùng lớn mà Luật Đất đai hiện hành không bịt được” là chuyển mục đích sử dụng đất khi hiện đang tạo nên thất thoát lớn, chênh lệch địa tô, gây ra sai phạm.

Nêu ví dụ cụ thể, ông Phớc nói, khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước nhìn vào khu đất để lấy khu đất này, sau chuyển đổi sử dụng vào mục đích thương mại, đất ở. Điều này, là địa tô chênh lệch, thất thoát từ Nhà nước ra bên ngoài.

“Chỉ một quyết định hành chính tự nhiên 100 tỷ hay 1.000 tỷ mất đi. Cho nên phải có cơ chế để bịt lỗ hổng”, ông Phớc nhấn mạnh, “quản lý mục đích sử dụng đất phải hết sức chặt chẽ”.

Theo ông, khi một người có đất sử dụng vào mục đích cho thuê, nếu không có nhu cầu sử dụng nữa thì nhà nước thu hồi để đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng để khai thác hiệu quả hơn, từ đó, tạo nguồn lực cho phát triển.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nhiều sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới