Chủ nhật, 24/11/2024 11:51 (GMT+7)
Chủ nhật, 09/02/2020 11:00 (GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược xuất khẩu - Bài cuối: Trở thành trung tâm xuất khẩu của khu vực

Theo dõi KTMT trên

Theo chuyên gia, xuất khẩu tại TP.HCM đã đến ngưỡng giới hạn phát triển theo chiều ngang, sẽ khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới nếu thiếu giải pháp.

TP. Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược xuất khẩu - Bài cuối: Trở thành trung tâm xuất khẩu của khu vực - Ảnh 1
Quang cảnh cảng Cát Lái. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

TP. Hồ Chí Minh với vai trò và lợi thế là trung tâm kinh tế của cả nước, các doanh nghiệp thành phố cũng được đánh giá là năng động trong việc thích ứng và tận dụng cơ hội từ thị trường để xuất khẩu.

Trong bối cảnh xu hướng thương mại và thị hiếu tiêu dùng liên tục thay đổi, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại cũng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cho TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đang từng bước đổi mới cách thức tổ chức xúc tiến xuất khẩu theo hướng gắn kết từng mặt hàng xuất khẩu với những thị trường cụ thể. Xác định rõ các mặt hàng chủ lực và những thị trường mục tiêu để có cách tiếp cận nhanh và phù hợp nhất.

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung tái cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng giảm phụ thuộc vào một số ít thị trường lớn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và khai thác tối đa các khu vực thị trường nhiều tiềm năng như châu Âu, Trung Đông, thị trường các nước Hồi giáo. Riêng với thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn nhất là Trung Quốc sẽ chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Nhiều chuyên gia nhận định, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA thế hệ mới với những cam kết cắt giảm sâu về thuế quan sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đáng kể cho nền kinh tế nói chung. Riêng TP. Hồ Chí Minh, việc thực thi các FTA được dự đoán sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 tăng thêm 2,5 - 3%/năm, từ 2026 - 2030 sẽ tăng thêm 2 - 2,5%/năm và đạt trên 100 tỉ USD vào năm 2030. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tận dụng FTA cho doanh nghiệp cũng cần được chú trọng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng, cần hệ thống lại các chính sách hỗ trợ xuất khẩu cho từng ngành hàng cụ thể để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Các chương tình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và phát triển xuất khẩu của thành phố cũng cần được tập trung thành chiến lược dài hạn và nâng cao hiệu quả thực thi trong thực tế.

Bà Bùi Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, để giữ vững vị trí là Trung tâm xuất khẩu, TP. Hồ Chí Minh cần phát huy sự sáng tạo, đa dạng hóa trong tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại hướng tới các thị trường mục tiêu. Theo đó, thời gian tới, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường lân cận trong khu vực ASEAN, tiếp cận và mở rộng các thị trường trọng điểm khu vực Đông - Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, đặc biệt khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới song phương và đa phương, hoạt động xúc tiến thương mại cần được nâng cao, cả về chất và lượng, triển khai phối hợp đa dạng trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu tăng cường tối đa tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Song song đó, tăng cường tổ chức khảo sát nghiên cứu thị trường; kết nối doanh nghiệp với các đối tác, nhà nhập khẩu tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, các chính sách nhập khẩu của các nước nhằm đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng, các thị trường mới, đặc biệt là thị trường thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và sẵn sàng tận dụng hiệu quả cơ hội xuất khẩu từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tập trung phát triển dịch vụ xuất khẩu

Để khai thác hiệu quả những lợi thế của TP. Hồ Chí Minh đối với hoạt động xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm, xây dựng chiến lược cho xuất khẩu của thành phố cần lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng. Cơ cấu xuất khẩu cần chuyển dịch theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số); tập trung phát triển nhóm dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (logistics, hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ tài chính, pháp lý…); đẩy mạnh liên kết vùng.

Cụ thể, trước mắt, thành phố cần tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cho các ngành hàng xuất khẩu truyền thống, có kim ngạch cao như dệt may, da giày để đảm bảo nguồn thu; đồng thời chuẩn bị nền tảng về công nghệ và nguồn nhân lực để có thể sản xuất và xuất khẩu các nhóm ngành kỹ thuật liên quan đến điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa, cụ thể là thiết kế, chế tạo dụng cụ sản xuất, linh kiện cho các ngành công nghiệp khác.

Mặt khác, cũng chú trọng phát triển các dịch vụ nền như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hạ tầng và chất lượng logistics để từng bước phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp sản xuất hàng xuất khẩu chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế so sánh giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm đến dịch vụ xuất khẩu; trong đó, có dịch vụ logistics, cùng với việc lựa chọn những sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của thành phố. Bởi lẽ, trong quá trình xuất nhập khẩu doanh nghiệp đang chịu chi phí logistics cao.

Tương tự, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex nêu dẫn chứng, Công ty Intimex xuất khẩu trên 1 triệu tấn hàng mỗi năm (tương đương 50.000 container). Hiện đang tồn tại điều vô lý là hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh đi một số nước (Singapore, Trung Quốc) chỉ mất vài ngày, nhưng ra miền Trung mất cả tuần theo đường thủy, đường sắt. “Rất cần giải pháp cho ngành logistics để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”, ông Nam nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của nhiều doanh nghiệp, Tiến sĩ Đinh Công Khải cho rằng, hầu hết các sản phẩm có quy mô xuất khẩu lớn của TP. Hồ Chí Minh đều có rất ít các cơ hội để đa dạng hóa do nền tảng cho những sản phẩm này khá đơn giản. Do đó, TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu theo hướng chuyên môn hóa hoạt động xuất khẩu dựa trên lợi thế so sánh của thành phố là tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền tảng năng lực cạnh tranh cho các ngành trong tương lai.

Song song đó, thành phố phải hoàn thiện chiến lược phát triển cụm ngành logistics, trong đó chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, mới có thể biến TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của vùng và khu vực.

Xuân Anh

Bạn đang đọc bài viết TP. Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược xuất khẩu - Bài cuối: Trở thành trung tâm xuất khẩu của khu vực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới