Chủ nhật, 24/11/2024 05:58 (GMT+7)
Thứ năm, 19/09/2024 13:51 (GMT+7)

TP.HCM: Bài toán khó cho việc xử lý 13.000 tấn rác mỗi ngày

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và xây dựng các kế hoạch, đề án nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải sinh hoạt.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) TP.HCM, hiện tại khối lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố đạt khoảng 13.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó, khoảng 3.000 tấn rác có khả năng tái chế và tái sử dụng được thu gom và xử lý thông qua cơ chế thị trường. Phần rác còn lại được thu gom, vận chuyển đến các nhà máy xử lý của thành phố để tiến hành xử lý theo quy trình.

Vào ngày 16/9, UBND TP.HCM đã gửi văn bản báo cáo Bộ TN&MT về việc triển khai một số nội dung liên quan đến việc tăng cường quản lý rác thải sinh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp và trình Chính phủ theo đúng quy định. Thông qua báo cáo này, thành phố hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn từ các cơ quan cấp trên để nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý rác thải góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nâng cấp trạm trung chuyển rác

Theo Sở TN&MT, UBND TP.HCM đã ban hành định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới trạm trung chuyển rác trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho TP.Thủ Đức và các quận, huyện giải tỏa các trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

TP.HCM: Bài toán khó cho việc xử lý 13.000 tấn rác mỗi ngày - Ảnh 1
Rác thải luôn là bài toán khó đối với TP.HCM

Song song với việc giải tỏa, thành phố cũng tập trung vào cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trạm trung chuyển đạt chuẩn kỹ thuật và đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Mục tiêu đến năm 2025 là có 40 trạm trung chuyển và đến năm 2050 là 36 trạm được bố trí hợp lý trên địa bàn 16 quận, huyện. Việc quy hoạch và nâng cấp này sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý hiệu quả rác thải sinh hoạt, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đô thị.

Từ năm 2025 trở đi, tất cả các trạm trung chuyển rác thải tại TP.HCM sẽ phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt. Mỗi trạm sẽ có khu vực tiếp nhận rác và khu vực đậu chờ phương tiện được thiết kế hoàn toàn kín, sử dụng công nghệ ép rác hiện đại và hệ thống xử lý môi trường đầy đủ. Các trạm này sẽ được đồng bộ với hệ thống thu gom tại nguồn có khả năng tiếp nhận không chỉ rác sinh hoạt mà còn các loại chất thải khác như chất thải rắn cồng kềnh, chất thải xây dựng và chất thải nguy hại. Hơn nữa, các trạm sẽ được trang bị các thiết bị hiện đại như cân, camera giám sát, phần mềm theo dõi khối lượng chất thải và chất lượng môi trường tại trạm.

Hiện tại, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện như quận 4, 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đang triển khai đầu tư 16 trạm trung chuyển. Trong đó, ba trạm đã hoàn thành và đi vào hoạt động gồm: trạm trung chuyển phường An Phú Đông (quận 12) hoạt động từ tháng 4/2022; trạm trung chuyển phường Thạnh Xuân (quận 12) vận hành từ tháng 6/2024 và trạm trung chuyển Sở Gà (TP.Thủ Đức) bắt đầu hoạt động từ tháng 01/2023.

Bên cạnh đó, một trạm tại quận 4 đang trong quá trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, một trạm khác tại quận Bình Thạnh đang thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để tiến tới đầu tư xây dựng.

TP.HCM: Bài toán khó cho việc xử lý 13.000 tấn rác mỗi ngày - Ảnh 2
TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản nhằm khắc phục tối đa tình trạng rác thải ùn ứ trên địa bàn. 

TP.HCM cũng đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho 11 trạm khác tại các khu vực như quận 8, 12, Bình Tân; huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè. Những trạm này đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục giao đất và đăng ký vốn đầu tư công trung hạn để triển khai xây dựng theo quy định.

Tìm kiếm giải pháp tối ưu cho rác thải

Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng đến 100% vào năm 2030, TP.HCM đã giao Sở TN&MT chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai hai nhóm giải pháp quan trọng.

Giải pháp đầu tiên là chuyển đổi công nghệ xử lý tại các đơn vị xử lý rác sinh hoạt hiện có trên địa bàn. Hiện tại, thành phố có năm công ty đang ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý rác sinh hoạt bao gồm Công ty Cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam, Công ty Cổ phần Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố.

Trong số đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã được cấp giấy phép xây dựng, Công ty Cổ phần Vietstar đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi cho Bộ Xây dựng thẩm định. Công ty Cổ phần Tasco đã nộp hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT). Tuy nhiên, hai công ty còn lại là Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố vẫn chưa nộp hồ sơ điều chỉnh cho Sở KH&ĐT.

TP.HCM: Bài toán khó cho việc xử lý 13.000 tấn rác mỗi ngày - Ảnh 3

Giải pháp thứ hai là kêu gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án xử lý rác sinh hoạt mới theo phương thức đối tác công tư (PPP), điển hình là dự án REE. Hiện nay, hội đồng thẩm định cấp cơ sở đang tổ chức thẩm định lần 3 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án để trình UBND thành phố xem xét, sau đó trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư.

Sau đó, thành phố sẽ tiến hành đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhằm triển khai dự án. Quy trình này sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh công bằng giữa các nhà đầu tư.

Trước đó, trong buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có những chia sẻ về cách xử lý rác thải. Cụ thể, ông cho biết: " Do có nhiều công nghệ xử lý nên chọn công nghệ nào phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm, điều kiện đặt cơ sở xử lý nhưng có một điều cần giải quyết là cân bằng, điều hòa được lợi ích các bên liên quan. Chẳng hạn cơ sở xử lý được lợi gì? Chắc chắn phải là lợi nhuận cao nên họ có thể lách luật nhiều kiểu để giảm giá thành nên cơ quan quản lý phải có cơ chế giám sát tốt để không xảy ra sự cố và khi xảy ra sự cố phải được xử lý kịp thời. Hay yêu cầu các hộ phân loại rác tại nhà phải chỉ ra trách nhiệm và lợi ích mà chúng đem lại cho họ. Nếu cơ quan ra văn bản yêu cầu phân loại và phạt khi họ không tuân thủ thì họ sẽ hiểu rõ cả trách nhiệm và lợi ích nên chấp hành. Tuy nhiên, người dân có thể phản ánh những gì làm chưa tốt, phản biện lại thì cơ quan quản lý phải trả lời thỏa đáng, chẳng hạn, một số người vẫn phân loại và bán được nhiều loại rác và hiện nay có phân loại thành hai ba túi nhưng xe rác đến lại gom chung vào thì phân loại làm gì, mất công thôi. Đây là những vấn đề cần có nghiên cứu thấu đáo hơn nữa". 

Việc xử lý 13.000 tấn rác mỗi ngày là thách thức lớn đối với TP.HCM, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp công nghệ, nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn, đồng thời triển khai những chính sách bền vững nhằm giảm thiểu rác thải. Chỉ khi kết hợp đồng bộ các biện pháp, TP.HCM mới có thể vượt qua bài toán khó này và hướng đến một tương lai xanh, sạch và bền vững hơn.

Thanh Trúc

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Bài toán khó cho việc xử lý 13.000 tấn rác mỗi ngày. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới