Chủ nhật, 24/11/2024 08:33 (GMT+7)
Thứ tư, 02/09/2020 13:00 (GMT+7)

TP.HCM chấn chỉnh việc quản lý đất đai, xây dựng ở các 'địa bàn nóng'

Theo dõi KTMT trên

Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra các sai phạm về quản lý đất đai, xây dựng tại các "địa bàn nóng" của thành phố, gồm quận Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh.

TP.HCM chấn chỉnh việc quản lý đất đai, xây dựng ở các 'địa bàn nóng' - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng tại "địa bàn nóng” ở TP.HCM gồm quận Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh vừa được Thanh tra thành phố kết luận, kiến nghị và được Chủ tịch UBND thành phố thống nhất chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh sai phạm, lập lại kỷ cương, trật tự quản lý đô thị.

Cụ thể, tại quận Thủ Đức, theo Thanh tra TP.HCM, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất hằng năm (từ năm 2016-2018) đối với chỉ tiêu đất ở đô thị không phù hợp và tăng cao hơn so với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; chưa tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa, chưa khắc phục những thiếu sót về hồ sơ cấp phép, chưa triệt để xử lý các công trình sai phép, không phép trên địa bàn quận.

Về vấn đề tách thửa đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thủ Đức, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức phụ trách đô thị đã ký cho phép tách thửa đất không đảm bảo quy định pháp luật (chưa đảm bảo pháp lý hình thành đường giao thông, không phù hợp quy hoạch đô thị).

Từ năm 2018-2019, số trường hợp xây dựng không phép tăng cao nhưng việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện các quyết định xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Việc xử lý vi phạm xây dựng sau khi có Chỉ thị 23-TC/TU của Thành ủy và Kế hoạch 333/KH-UBND của UBND thành phố (về tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong quản lý trật tự đô thị) chưa khẩn trương, chưa triệt để, đến nay vẫn còn một số vụ vi phạm bị xử lý chưa thực hiện xong.

Từ các vấn đề nói trên, Thanh tra Thành phố kiến nghị và được Chủ tịch UBND Thành phố chấp thuận, chỉ đạo UBND quận Thủ Đức chỉ đạo các bộ phận chức năng kiểm tra, bổ sung tiền sử dụng đất, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước; kiểm điểm cá nhân, đơn vị có liên quan trong quản lý cho thuê nhà đất, chấn chỉnh và chấm dứt tình trạng cho thuê lại, sử dụng không đúng mục đích thuê nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Sở Nội vụ Thành phố tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận Thủ Đức trong vai trò là tổ trưởng Tổ Công tác đã chấp thuận cho các trường hợp tách thửa đất nhưng chưa được thỏa thuận về chỉ tiêu quy hoạch đô thị kiến trúc, dẫn tới tồn tại các khu đất không bảo đảm quy chuẩn, vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng.

Tại huyện Bình Chánh, Thanh tra TP.HCM kết luận tại nhiều dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa sát thực tế nên phát sinh khiếu nại của người dân, năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư kém, một số trường hợp không có khả năng tài chính để thực hiện dự án dẫn tới chậm tiến độ triển khai.

UBND các xã, thị trấn chậm phân loại công trình vi phạm đất đai, chỉ mới thực hiện 343/869 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai (vẫn còn tới 60,52% chưa được giải quyết).

Tính đến ngày 31/12/2019, nợ đọng tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện Bình Chánh là 2.326 tỷ đồng, trong đó có 173 tỷ đồng nợ đọng trong thời gian dài nhưng chưa có biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Nhiều trường hợp vi phạm xây dựng chưa bị xử lý dứt điểm, tình hình vi phạm còn nhiều phức tạp, có dấu hiệu của việc đầu cơ mua bán đất, dẫn tới hình thành các khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép chưa được UBND huyện phê duyệt.

Điểm nóng tập trung tại xã Bình Hưng (khu nhà hàng Hương Dừa, khu ẩm thực Bình Xuyên), Vĩnh Lộc A (80 công trình sai phép, không phép, khu đất gần 9.000m2 tại thửa đất số 507, 508, 510 tờ bản đồ số 77 có dấu hiệu phân lô trên đất nông nghiệp), Vĩnh Lộc B, Tân Quý Tây, Tân Nhựt (dự án khu dân cư Trung tâm Thương mại xã Tân Nhựt)…

Thanh tra TP.HCM đã kiến nghị và được Chủ tịch UBND Thành phố kết luận, giao Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh rà soát các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt quá 5 năm trên địa bàn huyện để xem xét điều chỉnh nếu đủ điều kiện theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.

Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, chỉ đạo chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố để tiếp tục điều tra, làm rõ các sai phạm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm trật tự xây dựng tại các xã Bình Hưng, Tân Quý Tây, Vĩnh Lộc B và Tân Nhựt.

Đồng thời, UBND thành phố giao Công an Thành phố triển khai các giải pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu hình sự để điều tra, xác minh, tập trung vào các vụ việc có dấu hiệu đưa, nhận, môi giới hối lộ, tham nhũng, các đối tượng đầu cơ đất, mua bán chuyển nhượng thu lợi bất chính, xây dựng không phép, sai phép, vi phạm quy định về quản lý đất đai nhằm xử lý nghiêm, lập lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.

Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, Thanh tra TP.HCM nêu rõ khi lập kế hoạch sử dụng đất năm 2016, 2017, 2018, UBND huyện Củ Chi chưa khảo sát nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt; tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác nhưng chưa thông qua Hội đồng Nhân dân huyện Củ Chi trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt.

Cùng với đó là sai phạm trong quản lý và cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích của xã Thái Mỹ, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội; chưa thực hiên đúng điều kiện được phép tách thửa (chưa chuyển mục đích sử dụng đất, không phù hợp với quy hoạch được duyệt, cho phép tách thửa không đúng tiêu chuẩn xây dựng…).

UBND huyện cấp giấy phép xây dựng thiếu hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế, thiếu chứng chỉ hành nghề của cán bộ thiết kế hoặc sử dụng chứng chỉ hành nghề đã hết hạn. Vẫn còn 21 trường hợp xây dựng không phép và 7 trường hợp sai phép chưa được xử lý dứt điểm.

Thanh tra TP.HCM kiến nghị và đã được Chủ tịch UBND Thành phố thống nhất, giao Chủ tịch UBND huyện Củ Chi tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có thiếu sót, vi phạm, khẩn trương khắc phục vi phạm trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng.

Đồng thời, huyện quan tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai, xây dựng để tránh thiếu sót khi tham mưu xử lý, giải quyết các vụ việc..

Trần Xuân Tình

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM chấn chỉnh việc quản lý đất đai, xây dựng ở các 'địa bàn nóng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới