Chủ nhật, 24/11/2024 05:19 (GMT+7)
Thứ tư, 04/08/2021 06:20 (GMT+7)

TP.HCM: Giữ nguyên giá nước sạch đến hết năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Giá nước sạch bình quân ở TP.HCM là 9.590 đồng/m3. Mức giá này sẽ được giữ nguyên đến hết năm 2022.

Đó là khẳng định của đại diện Sở Xây dựng TP.HCM khi được hỏi về thông tư hướng dẫn "khung giá nước sạch sinh hoạt mới" cho các khu vực, có hiệu lực từ ngày 5/8 mà Bộ Tài chính mới ban hành.

Theo đó, giá nước sạch sinh hoạt bình quân tại TP.HCM hiện nay là 9.590 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân (được thu kèm với hóa đơn nước sạch với tên gọi phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nước sạch) là 1.439 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).

Bắt đầu từ năm 2022, TP.HCM sẽ thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải dựa trên giá nước sạch, mức thu sẽ tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình 2022-2025.

TP.HCM: Giữ nguyên giá nước sạch đến hết năm 2022 - Ảnh 1
Giá nước sạch tại TP.HCM sẽ không tăng cho đến hết năm 2022.

Đối tượng thu gồm các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước. Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tiếp tục thu phí bảo vệ môi trường theo quy định. Và giá nước sạch cũng sẽ tăng trong giai đoạn này với mức năm 2023 là 10.156 đồng/m3, đến năm 2024 là 10.775 đồng/m3. 

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV sẽ là đơn vị triển khai thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thay phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. 

Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ đi thu và thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có). 

Phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lệ khác theo quy định hiện hành.

Đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên thành 11.422 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).

Lý giải về việc thu giá thoát nước, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, quá trình đô thị hóa trên địa bàn đang diễn ra mạnh mẽ. Nguồn nước mặt sông Sài Gòn đang chịu tác động từ các nguồn thải như nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Nước thải đô thị cùng với nước mưa chảy tràn đổ vào sông theo hệ thống cống xả chung rồi đổ ra sông Sài Gòn - Đồng Nai. 

Bên cạnh đó, môi trường nước mặt còn bị tác động mạnh bởi việc khai thác sử dụng đất phần phía thượng lưu; Phát triển thủy điện - thủy lợi với sự hình thành hệ thống các hồ chứa, đập dâng và việc vận hành các hệ thống này. 

Chưa kể, sản xuất nông nghiệp sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, phát triển giao thông vận tải vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như sự cố môi trường...

Trong khi đó, chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt thải ra không được xử lý. 

Quy hoạch đến năm 2025, TP.HCM sẽ xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt nhằm xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt hằng ngày của đô thị. Thời gian qua TP.HCM đã tích cực tranh thủ nguồn vốn ODA của các tổ chức JICA, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải, bên cạnh thực hiện mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). 

Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, tổng lượng nước thải sinh hoạt của TP.HCM hiện được xử lý chỉ dưới 10%, gần 90% nước thải đô thị chưa được xử lý đang đổ trực tiếp ra sông, kênh, rạch.

“Hiện trạng môi trường nước ô nhiễm nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, nhất là người dân ở khu vực tiếp giáp với nguồn nước mặt. Đồng thời, ảnh hưởng đến bộ mặt mỹ quan đô thị, giảm sút thu hút đầu tư..., ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, sự phát triển bền vững của Thành phố”, Sở Xây dựng TP.HCM nhận định.

Nguyễn Thật

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Giữ nguyên giá nước sạch đến hết năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới