Chủ nhật, 24/11/2024 10:36 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/09/2021 08:20 (GMT+7)

TP.HCM: 'Không có thách thức nào vượt qua tinh thần hiếu học'

Theo dõi KTMT trên

Học sinh không đủ điều kiện học trên internet có thể sẽ được học trên truyền hình, hoặc vận động mạnh thường quân hỗ trợ trang thiết bị học online...

Đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp

Chiều ngày 4/9, tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Thành phố không tổ chức lễ tựu trường và khai giảng trong năm học mới 2021 - 2022.

Theo kế hoạch mà Sở GD&ĐT TP.HCM đưa ra, từ 6/9, học sinh THCS, THPT bắt đầu vào năm học mới, làm quen với lớp và tiếp tục củng cố sĩ số lớp, rà soát điều kiện lớp học trong 1 tuần. Lớp nào đủ điều kiện thì vào học, lớp nào chưa đủ điều kiện thì sẽ vào học trong tuần thứ 2.

Riêng cấp Tiểu học tập trung ngày 8/9, sau đó có gần 2 tuần để làm quen bạn bè, lớp học, ôn tập củng cố, hướng dẫn học sinh lớp 1 làm quen môi trường mới.

TP.HCM: 'Không có thách thức nào vượt qua tinh thần hiếu học' - Ảnh 1
Sở GD&ĐT TP.HCM nghiên cứu 3 phương án triển khai dạy - học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện học trên internet (Ảnh minh họa).

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, số lượng học sinh ở các cấp không đủ điều kiện học tập trên internet là 75.000 em (chiếm khoảng 4% học sinh toàn TP). Trong đó, Tiểu học nhiều nhất với 31.000 em; THCS 22.000 em, THPT 15.000 em.

Để khắc phục vấn đề này, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Nhóm giải pháp thứ 1, Sở GD&ĐT TP.HCM đang phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM triển khai sớm nhất việc dạy – học trên truyền hình. 

Trong tháng 9/2021, sẽ ưu tiên các nội dung dạy cho học sinh kỹ năng tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia, hỗ trợ con em mình học trên internet. Về nội dung theo chương trình, sẽ có ưu tiên thời lượng cho các khối lớp nhỏ, các lớp theo Chương trình GDPT 2018 và các lớp cuối cấp.

Đồng thời, kho tài liệu trực tuyến đã được Sở xây dựng từ năm 2020 tiếp tục được bổ sung, cập nhật, đảm bảo cung cấp tài liệu học tập cho học sinh và phụ huynh các cấp.

Nhóm giải pháp thứ 2 là hỗ trợ điều kiện học trực tuyến cho học sinh (đường truyền, thiết bị, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…). Các trường đã chủ động vận động các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị phục vụ việc dạy - học trực tuyến trong nhà trường.

Trong thời gian sắp tới, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị viễn thông; Các nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các gói đường truyền, gói mua giảm giá hoặc trả góp các thiết bị nhằm đảm bảo đủ thiết bị, đường truyền phục vụ dạy – học trực tuyến cho học sinh.

Trong trường hợp học sinh quá khó khăn, không thể tiếp cận việc học trực tuyến bằng các hình thức trên; Các trường sẽ thực hiện các phiếu học tập. 

Giáo viên sử dụng hệ thống của ngành để tiếp cận, đưa các phiếu học tập đến cho học sinh, đảm bảo các em nắm bắt được bài học, đảm bảo tiến độ học tập. Những học sinh này sẽ được đánh giá, kiểm tra và tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp để bù đắp những hạn chế gặp phải.

Nhóm giải pháp thứ 3 là chuẩn bị kế hoạch đảm bảo chất lượng giảng dạy khi học sinh nhập học trở lại.

TP.HCM: 'Không có thách thức nào vượt qua tinh thần hiếu học' - Ảnh 2
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu.

Tận dụng "khoảng thời gian vàng"

Khi TP.HCM kiểm soát tốt dịch bệnh, các cơ sở giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngành giáo dục sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ “khoảng thời gian vàng”, ưu tiên các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại. 

Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ nghiên cứu tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.

TP.HCM chỉ đạo việc triển khai dạy - học không được gây áp lực, quá tải cho học sinh; Phải triển khai linh hoạt, chậm, chắc, bám sát thực tiễn của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục, không nóng vội, không chủ quan, không cào bằng; Thường xuyên giám sát, kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.

Liên quan đến việc có nên dời khai giảng đến ngày 15/9 mà báo chí nêu, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho rằng: Trên tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, là ưu tiên, nhưng cần phải tuyên truyền cho giáo viên, học sinh nắm rõ dù khó khăn đến đâu cũng tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Việc khai giảng sẽ triển khai theo đúng kế hoạch của Sở GD&ĐT Thành phố đã nêu.

“Thực tiễn cho thấy trong hoàn cảnh chiến tranh đất nước vẫn duy trì việc học tập. Lịch sử chứng minh không có thách thức nào vượt qua tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức”, ông Hải nhấn mạnh.

Nguyễn Duy

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: 'Không có thách thức nào vượt qua tinh thần hiếu học'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới