Thứ năm, 28/11/2024 01:56 (GMT+7)
    Thứ năm, 17/06/2021 11:25 (GMT+7)

    TP.HCM: Kiến nghị điều chỉnh dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên

    Theo dõi KTMT trên

    Tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đang chậm tiến độ nên BQL Đường sắt đô thị TP.HCM kiến nghị điều chỉnh dự án xem xét, thẩm định để làm cơ sở xác định giá trị ODA cấp phát từ trung ương.

    Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, tính đến nay, khối lượng tổng thể dự án ước đạt 85,9%. 

    Trong đó, BQL Đường sắt đô thị TP.HCM phối hợp với nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao mặt bằng phần đường, vỉa hè trên đường Lê Lợi (đoạn Nguyễn Huệ đến Pasteur); Ga Ba Son và khu vực hầm đào hở thuộc gói thầu 1b; Nhập khẩu và vận chuyển đoàn tàu số 2 và đoàn tàu số 3 về depot Long Bình chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thử nghiệm.

    Về cơ chế tài chính, thỏa thuận vay, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc xác định giá trị ODA cấp phát từ Ngân sách Trung ương còn lại cho dự án. 

    TP.HCM: Kiến nghị điều chỉnh dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh 1
    Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên liên tục bị chậm tiến độ.

    BQL Đường sắt đô thị TP.HCM đã trình Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án thẩm định phê duyệt điều chỉnh dự án, và cùng với JICA đã thống nhất các nội dung trong thỏa thuận vay lần thứ 4 và tiến hành xúc tiến các thủ tục liên quan.

    Tuy nhiên, theo BQL Đường sắt đô thị TP.HCM, tiến độ thực hiện dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. 

    Lý do các gói thầu đang triển khai thi công của dự án là các gói thầu thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng), nhưng việc cung cấp các thông số giao diện và phạm vi công việc của các gói thầu chưa được cụ thể ngay từ giai đoạn lập hồ sơ mời thầu nên làm ảnh hưởng đến công tác thiết kế của gói thầu số 3 cũng như ảnh hưởng tiến độ của các gói thầu khác.

    Đồng thời, quá trình thi công vẫn còn vướng mắc các công trình hạ tầng kỹ thuật còn sót lại của các công trình hạ tầng, nhà dân dọc 9 cầu bộ hành, cần phải thực hiện di dời nên phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu.

    Mặt khác, hiện nay, chưa thể giải ngân vốn ODA cấp phát được bố trí cho dự án là 2.484,293 tỉ đồng do chưa xác định được vốn ODA cấp phát còn lại cho dự án.

    Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và chậm trễ đáng kể đối với kế hoạch thi công của các gói thầu.

    Từ thực tế trên, BQL Đường sắt đô thị TP.HCM kiến nghị Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án xem xét, thẩm định trình UBND TP.HCM phê duyệt điều chinh dự án để làm cơ sở xác định giá trị ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương.

    Đồng thời, BQL Đường sắt đô thị TP.HCM kiến nghị UBND thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo về việc thiết kế, xây dựng cầu bộ hành các nhà ga trên cao của gói thầu số 2 nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

    Mặt khác, BQL Đường sắt đô thị TPHCM kiến nghị Hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật xem xét, phê duyệt 32 tiêu chuẩn kỹ thuật bổ sung dự án.

    Được biết, tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm. Tuyến có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức) và kết thúc ở ga Bến Thành (quận 1).

    Dự án này được khởi công xây dựng vào năm 2006 với tổng mức đầu tư 17.388 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2009, tổng mức đầu tư dự án được đơn vị tư vấn NJPT của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại lên khoảng 47.325 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM.

    Việc điều chỉnh vốn tăng cao khiến tiến độ tuyến metro số 1 gặp nhiều khó khăn và phải đến ngày 28/8/2012 dự án mới được tiếp tục thực hiện.

    Chậm trễ thông qua chủ trương tăng vốn để giải ngân khiến tuyến metro số 1 không ít lần rơi vào tình cảnh “khốn khổ”. 

    Trong đó, cuối năm 2015, liên danh nhà thầu chính thi công gói thầu số 2 (Sumitomo - Cienco 6) đã có đơn yêu cầu TP.HCM bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao mặt bằng so với cam kết trong hợp đồng, với số tiền lên đến 2,5 tỉ đồng/ngày. 

    Sau 3 năm, dự án không những không vượt được “ải” thiếu tiền mà tình hình ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đối mặt nguy cơ ngừng thi công.

    Liên tục phải “giật gấu vá vai”, tạm ứng hơn 4.000 tỉ đồng để “giải nguy” cho dự án, suốt trong giai đoạn từ 2016 - 2019, tuyến metro số 1 liên tục vấp phải nhiều trở ngại không chỉ về thủ tục, vốn mà còn về mặt nhân sự điều hành, khiến việc đưa vào khai thác vận hành tuyến liên tục chậm trễ.

    Duy Thật

    Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Kiến nghị điều chỉnh dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới