Chủ nhật, 24/11/2024 12:50 (GMT+7)
Thứ ba, 24/08/2021 07:08 (GMT+7)

TP.HCM: Thêm đối tượng ưu tiên, không bắt buộc có giấy đi đường

Theo dõi KTMT trên

Lực lượng ngành y tế không bắt buộc cần có giấy đi đường khi qua chốt kiểm soát. Ngoài ra, người đi tiêm vaccine, nhân viên phân phối hàng thiết yếu, các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề nghiệp cũng được ưu tiên đi lại.

Mở rộng nhóm đối tượng ưu tiên qua chốt kiểm soát

Ngày 23/8, UBND TP.HCM ban hành văn bản khẩn về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo văn bản, căn cứ tình hình triển khai thực tế ngày 23/8, UBND TP.HCM tiếp tục có ý kiến chỉ đạo một số nội dung như sau: Đối với các nhóm đối tượng được phép ra đường vẫn áp dụng theo 17 nhóm đã qui định tại phụ lục đính kèm Công văn số 2800/UBND-VX ngày 22/8/2021.

Trong đó điều chỉnh như sau: Các lực lượng được ưu tiên và không yêu cầu có giấy đi đường khi qua chốt gồm: Lực lượng cán bộ, nhân viên ngành y tế có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo qui định pháp luật. 

TP.HCM: Thêm đối tượng ưu tiên, không bắt buộc có giấy đi đường - Ảnh 1
Một chốt kiểm soát tại TP.HCM ngày 23/8 (Ảnh PLO).

Người dân đi tiêm vaccine có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm và kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để trình cho chốt kiểm soát. 

Nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực thực phẩm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị; Chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an TP.HCM cấp.

Đồng thời, bổ sung thêm nhóm đối tượng sau: Các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy). Giao Sở LĐTB&XH tổng hợp danh sách và báo số lượng về Công an Thành phố (mã 1A). 

Giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp tổng hợp danh sách và báo số lượng về Công an TP.HCM (mã 12) đối với nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” trong khu chế xuất, khu công nghiệp. 

Trường hợp các phương tiện vận tải hàng hóa (bao gồm tài xế và 1 phụ xế) đã được ngành GTVT cấp thẻ QR code, không tiến hành kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.

Công an TP.HCM là đơn vị in và ký cấp giấy (hoặc ủy quyền cho PC08, công an địa phương các cấp ký) cho toàn bộ các nhóm đối tượng trên.

Khi chưa có giấy đi đường nêu trên của Công an TP.HCM thì vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại Công văn số 2800/UBND-VX và Công văn số 2796/UBND-VX cùng ngày 21/8/2021 của UBND TP.HCM cho đến 20h ngày 25/8/2021.

Về việc trang bị và phân bổ áo nhận diện cho cơ quan, đơn vị có liên quan, thực hiện như sau: 

Đối với cấp thành phố: Giao Sở Công Thương, Bộ Tư lệnh TP.HCM chuẩn bị số lượng áo nhận diện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Công văn số 2796 /UBND VX ngày 21/8/2021. 

Giao Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phân bổ cho các cơ quan khối Đảng, Đoàn thể, các Sở, ban, ngành Thành phố và các Ban Quản lý trực thuộc UBND TP.HCM; Giao các Sở, ban, ngành Thành phố chịu trách nhiệm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc.

Đối với cấp huyện: UBND TP.Thủ Đức, UBND các Quận , huyện chịu trách nhiệm trang bị và phân bổ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc; Bao gồm cả khối Đảng, đoàn thể cấp huyện.

Người dân không được tự ý đi mua thuốc 

Trong buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM (Ban Chỉ đạo) diễn ra trong chiều ngày 23/8, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, các tiệm thuốc Tây vẫn mở nhưng người dân không tự đi mua, Tổ Công tác đặc biệt của mỗi phường, xã sẽ giúp người dân đi mua thuốc.

Trường hợp trong gia đình có người mắc bệnh lý thông thường (không phải Covid-19), người dân có thể tự đến bệnh viện để chữa trị, hiện nay các bệnh viện vẫn đang thực hiện mô hình chia đôi vừa điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa điều trị bệnh nhân có bệnh lý khác.

Riêng đối với người bệnh nhiễm Covid-19 thì liên hệ với Tổ phản ứng nhanh, Trạm y tế lưu động hoặc Trung tâm cấp cứu 115 để được hướng dẫn, tư vấn. 

Về việc di chuyển, hiện TP.HCM có 500 xe taxi của hãng Mai Linh và Vinasun được hoạt động phục vụ cấp cứu cho người dân, người dân có thể gọi 2 hãng xe này khi cần tới bệnh viện cấp cứu.

Còn đối với trường hợp bệnh nhân F0 chuyển nặng, TP.HCM có 260 xe của Phương Trang được phân bổ về 22 Quận, huyện, TP.Thủ Đức sẽ chở người bệnh tới bệnh viện.

Nguyễn Thu

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Thêm đối tượng ưu tiên, không bắt buộc có giấy đi đường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới