Chủ nhật, 24/11/2024 06:36 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/08/2022 21:09 (GMT+7)

TP.Sầm Sơn (Thanh Hoá): Nông thôn mới, khát vọng mới

Theo dõi KTMT trên

Sau bao năm đồng sức, đồng lòng, tất cả vì một mục tiêu duy nhất, chính quyền và nhân dân TP.Sầm Sơn (Thanh Hoá) đã về đích Nông thôn mới trong niềm hân hoan và tự hào.

"Tài nguyên" không có gì ngoài con người

Giai đoạn 2010-2011, TP.Sầm Sơn đã quan tâm chú trọng huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng Nông thôn mới. Đến nay tổng nguồn lực cho huy động nông thôn mới của TP đã đạt 977,436 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 28,399 tỷ đồng, chiếm 2,91%; ngân sách tỉnh hỗ trợ 40,652 tỷ đồng, chiếm 4,16%; ngân sách TP 104,036 tỷ đồng, chiếm 10,64%; ngân sách các xã huy động 80,720 tỷ đồng, chiếm 8,26% còn lại là nhân dân đóng góp 723,629 tỷ đồng, chiếm 74,03%  thông qua việc xây dựng các công trình phúc lợi, cải tạo chỉnh trang nhà cửa.

Từ nguồn huy động vốn trên, Sầm Sơn đã phát triển được hệ thống hạ tầng khang trang trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nhiệm vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới. Để thực hiện được mục tiêu này, Sầm Sơn đã tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

TP.Sầm Sơn (Thanh Hoá): Nông thôn mới, khát vọng mới - Ảnh 1
Một góc về cơ sở hạ tầng của Xã Quảng Minh, TP.Sầm Sơn

Quy mô diện tích, dân số và đô thị TP.Sầm Sơn được mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Năm 2016, Sầm Sơn hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 6 xã Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Vinh, Quảng Đại, Quảng Thọ, Quảng Châu (thuộc huyện Quảng Xương) về thị xã Sầm Sơn quản lý. Đến năm 2017 thành lập thêm 4 phường trên cơ sở 04 xã trực thuộc, đồng thời TP Sầm Sơn được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng về diện tích, địa lý, dân số, số đơn vị hành chính của thị xã Sầm Sơn.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ và nhân dân, kinh tế Sầm Sơn đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 10,3%. Năm 2020 tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt 1.285 tỷ đồng, gấp 1.4 lần so với 2010. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm (giai đoạn 2011-2020) đạt 17,94%, đứng thứ 5 toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nằm trong top đầu của tỉnh, năm 2020 ước đạt 57,72 triệu đồng/người, gấp 2.8 lần năm 2010 và đứng thứ 3 toàn tỉnh.

Chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Bùi Ngọc Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Minh cho biết: “Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, có thể khẳng định đây là sự cố gắng không ngừng nghỉ của cán bộ và nhân dân xã Quảng Minh nói riêng và TP.Sầm Sơn nói chung. Là một xã nghèo nhất của thành phố, chúng tôi không có tài nguyên gì khác ngoài con người. Nhưng bằng sự đồng lòng, quyết tâm, cán bộ và nhân dân một ý chí, xã đã hoàn thành nhiệm vụ mà thành phố giao cho”.

Đồng quan điểm, ông Đặng Ngọc Vũ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Hùng chia sẻ: “Là một trong hai xã cuối cùng của TP.Sầm Sơn về đích nông thôn mới, chúng tôi rất áp lực. Nhưng càng áp lực, thì cán bộ Đảng viên càng phải thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình. Phải làm sao để dân tin, dân yêu thì chẳng có nhiệm vụ nào mà không hoàn thành cả”.

Ông Nguyễn Công Phượng, 1 công dân xã Quảng Hùng phấn khởi nói: “5 năm trước cả xã tìm mãi không thấy chiếc ô tô, nhưng hiện nay riêng thôn 9 chúng tôi đã gần chục chiếc. Giờ đây, nhà cửa khang trang, đường sá đi lại đều bê tông hóa cả”.

Một quá trình không có điểm kết thúc

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã thực sự làm thay đổi diện mạo nông thôn của cả nước. Riêng đối với TP.Sầm Sơn, đó là nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố khi triển khai, thực hiện chương trình với nhiều khó khăn thách thức. Năm 2010, đa số các xã đều đạt dưới 6 tiêu chí thì đến nay, toàn thành phố có 8 phường và 03/03 xã đạt chuẩn NTM; thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020 tại Quyết định số 636/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

TP.Sầm Sơn (Thanh Hoá): Nông thôn mới, khát vọng mới - Ảnh 2
Một Sầm Sơn đang nổ lực từng ngày để có thống hạ tầng thông minh, hiện đại thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; là đơn vị phát triển toàn diện của cả tỉnh.

Xây dựng NTM đã thực sự trở thành khát vọng của người dân nông thôn, mười năm qua (2011 - 2020), trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực đầu tư của tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính, Sầm Sơn được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh; Giá trị sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng cao, vượt chỉ tiêu đại hội; Huy động vốn cho đầu tư vượt hơn 2 lần kế hoạch, kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo đô thị du lịch; Ngành du lịch có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng; văn hóa giao tiếp ứng xử trong hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến rõ nét; thương hiệu du lịch Sầm Sơn được nâng tầm; Chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên; Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền thành phố được nâng lên rõ rệt.

 Trao đổi với PV, ông Bùi Quốc Đạt, Phó chủ tịch UBND TP.Sầm Sơn cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới thành phố phấn đấu tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn thành phố, định hướng phát triển các xã để thành lập phường. Trong đó, cần tập trung thực hiện những nội dung như: Xây dựng nông thôn mới phải kết nối nông thôn với đô thị, bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa nông thôn, thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, thu hẹp khoảng cách về đời sống và thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị; tiếp tục phát huy nội lực, huy động sức dân, cộng đồng doanh nghiệp, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của các cấp, các ngành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, vừa tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được vừa xây dựng 3 xã thành lập phường trong giai đoạn 2021-2025; rà soát, đầu tư nâng cấp, sữa chữa, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội về giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế,…".

Đặc biệt việc xây dựng nông thôn mới cũng cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển các tiêu chí khó là nâng cao thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, liên doanh, liên kết, phát triển hợp tác xã, thực hiện chương trình OCOP, nước sạch, đào tạo nghề. Kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, đưa nông nghiệp trở thành không gian sinh thái, nghỉ dưỡng, phục vụ đô thị du lịch; chú trọng bổ sung, nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa, bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo quy định, phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên, cảnh quan sinh thái; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND Sầm Sơn khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả, không chạy theo phong trào, thành tích… Nông thôn mới là xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn đảm bảo môi trường, xanh - sạch - đẹp. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm, duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới gắn với quá trình xây dựng thành phố đô thị loại II, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đại hội Đảng Bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đã từng nhấn mạnh: “Việc xây dựng và phát triển TP.Sầm Sơn trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân TP Sầm Sơn; coi nội lực là nhân tố có ý nghĩa quyết định và nền tảng, ngoại lực là nhân tố thúc đẩy rất quan trọng và đột phá, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển”.

Như một phần thưởng, ngày 28/8 tới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP.Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Đây là sự ghi nhận và tôn vinh cho những cố gắng không ngừng nghỉ của nhân dân và chính quyền TP.Sầm Sơn.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết TP.Sầm Sơn (Thanh Hoá): Nông thôn mới, khát vọng mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới