Trái Đất có thể tăng tới 4°C
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Exeter và Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh đã phân tích và kết luận nhiệt độ Trái Đất có thể tăng lên tới 4°C vào cuối thế kỷ này bất chấp những cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Exeter và Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) đã phân tích những chính sách đang lưu hành trên toàn thế giới và phát hiện ra rằng, theo "quỹ đạo hiện tại", mục tiêu hạn chế Trái đất nóng lên 1,5°C so với mức tiền công nghiệp của Thỏa thuận chung Paris đang dần vượt khỏi tầm tay.
Giáo sư Richard Betts, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết, Trái Đất có thể nóng lên tới 4°C nhưng điều này vẫn có thể xảy ra".
Nếu điều này xảy ra, số ca tử vong do nắng nóng ở Anh dự kiến sẽ tăng từ 2.000 người mỗi năm vào thời điểm hiện tại lên 7.200 trường hợp vào những năm 2050 và 12.800 ca vào những năm 2080.
Theo báo cáo, Đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu lần thứ ba của Chính phủ Anh kết luận rằng, biến đổi khí hậu đã và đang mang lại những rủi ro đáng kể đối với môi trường tự nhiên, cơ sở hạ tầng, sức khỏe con người, cộng đồng và doanh nghiệp tại Anh.
Anh cũng phải đối mặt với những lo ngại liên quan đến an ninh, tình trạng di cư và chuỗi cung ứng. Tất cả những rủi ro này sẽ tăng lên nếu tình trạng ấm lên đạt đến 2°C và thậm chí cao hơn ở mức 4°C.
Báo cáo nêu rõ: "Các dự báo phù hợp với những chính sách hiện hành trên toàn thế giới cho thấy, sự ấm lên trong khoảng từ 2°C đến 5°C vào cuối thế kỷ này tùy thuộc vào tốc độ phát thải khí nhà kính và phản ứng của hệ thống khí hậu đối với lượng khí thải này. Điều này sẽ khiến các hình thái thời tiết và hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra nhiều hơn, làm tăng thêm rủi ro đối với con người và đa dạng sinh học, nền nhiệt càng tăng cao dẫn đến rủi ro càng lớn hơn".
Việc hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức thấp hơn vẫn có thể đạt được nếu lượng khí thải toàn cầu nhanh chóng giảm về 0 hoặc âm. Tuy nhiên, ngay cả khi sự ấm lên trên toàn cầu được giới hạn thành công trong khoảng 1,5 đến 2°C, các hình thái thời tiết vẫn sẽ khác so với những thập kỷ gần đây, và mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao ở một mức độ nào đó.
Báo cáo kêu gọi Anh cần hành động nhiều hơn để chuẩn bị cho những tác động này.
Trước đó Các nhà nghiên cứu từ Đại học University College London (Anh) cũng đã có nghiên cứu về sự tăng nhiệt của Trái Đất khi băng tan chảy nhanh và lượng băng giảm dần đi.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học University College London (Anh) đã sử dụng dữ liệu từ vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu để phân tích những thay đổi của thềm băng ở biển Bắc Cực với nhiều tảng băng trôi nổi trên bề mặt đại dương.
Ông Robbie Mallett thuộc Đại học Khoa học Trái đất UCL, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, các tính toán trước đây về độ dày thềm băng đã lỗi thời.
Ông Mallett nói: "Vì băng trên biển hình thành muộn hơn, vào thời điểm cuối năm nên băng trên đỉnh có ít thời gian tích tụ hơn. Các tính toán của chúng tôi lần đầu tiên giải thích về khối lượng băng tuyết giảm này và cho thấy, băng trên biển đang mỏng đi nhanh hơn chúng ta nghĩ".
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét tác động của việc băng ở biển Bắc Cực mỏng đi có thể tác động như thế nào đối với các cộng đồng bản địa sống ở cực Bắc của thế giới.
Ông Mallett cho biết: "Sự mỏng đi của lớp băng trên biển sẽ gây ảnh hưởng đáng lo ngại cho các cộng đồng bản địa, vì nó sẽ khiến các khu định cư trên bờ biển ngày càng phải chịu tác động của thời tiết và sóng từ đại dương".
Bắc Cực cùng với Nam Cực được coi là chiếc "tủ lạnh" của thế giới. Với lượng băng tuyết phủ tại đây, các khu vực này phản xạ nhiệt trở lại không gian, trong khi các phần khác của Trái đất tiếp tục hấp thụ nhiệt.
Nguyễn Linh (T/h)