Thứ năm, 28/11/2024 01:12 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/06/2023 08:29 (GMT+7)

Trại lợn thiếu giấy phép môi trường tồn tại trong đồi chè tại Nghệ An

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, một trại chăn nuôi lợn trên địa bàn xóm 5, xã Hùng Sơn huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) có dấu hiệu xả nước thải ra môi trường khi chưa được xử lý triệt để.

Thực tế các trang trại chăn nuôi lợn số lượng lớn được xây dựng trên địa bàn Nghệ An trong những năm qua đã hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng quy định, đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại xóm 5, xã Hùng Sơn huyện Anh Sơn (Nghệ An) lại đưa vào hoạt động chăn nuôi khi các giấy tờ pháp lý về môi trường còn thiếu.

Từ thông tin phản ánh của người dân địa phương, mất khá nhiều thời gian vượt qua những cung đường quanh co, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đến khu đất có trại lợn nói trên. Tại thời điểm có mặt, theo quan sát của phóng viên, trên khu đất rộng khoảng 2 ha, có 4 khu nhà xây tường gạch lợp tôn, mỗi khu nhà rộng khoảng 1800m2, bên trong chăn nuôi khoảng 2000 con lợn.

Qua tìm hiểu sự việc, một người dân (xin phép được dấu tên) cho biết, trang  trại này đã được xây dựng từ lâu. Trên thực tế, nhiều năm về trước, cũng đã có lần do mưa lớn, bờ ao bị vỡ, nước thải từ trang trại này xả thải, khiến ao cá của người dân khu vực phía dưới bị ảnh hưởng.

Trại lợn thiếu giấy phép môi trường tồn tại trong đồi chè tại Nghệ An - Ảnh 1
Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn chưa có giấy phép môi trường tại xóm 5, xã Hùng Sơn. (Ảnh: Tuấn Quỳnh)

Trao đổi với phóng viên, anh Võ Văn Dũng chủ trang trại cho biết: "Trang trại được xây dựng năm 2018 và đưa vào chăn nuôi từ đầu năm 2019 với diện tích đất gần 2ha, quy mô 4000 con lợn. Hiện tại, trang trại  đang tạo việc làm ổn định cho 8 công nhân trong địa bàn xã. Nhiều năm trước, do mưa lũ, vỡ bờ nên nước thải chảy xuống ao hồ của người dân, tuy nhiên, chúng tôi cũng đã khắc phục triệt để tình trạng này. Phần nước thải chảy ra môi trường, hầu hết nằm trong diện tích, nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình”.

Trao đổi về vấn đề này ông Trần Minh Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: "Về quy hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư thì trang trại đã có. Hiện gia đình anh  Dũng đang trong quá trình hoàn thành các thủ tục về vấn đề môi trường. Lượng nước thải từ trang trại thông qua biogas rồi lắng xuống diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình. Trang trại lợn nằm cách xa khu vực dân cư hơn 3km, xung quanh đó là đất sản xuất chứ không phải đất ở nên tình trạng ô nhiễm mùi hôi, hầu như không ảnh hưởng tới người dân”.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại về vấn đề trên, ông Bùi Công An - Trưởng phòng tài nguyên huyện Anh Sơn cho biết: "Phòng cũng đã nhận được thông tin và đang hướng dẫn gia đình anh Dũng hoàn thiện các thủ tục về môi trường theo quy định".

Ông Đào Quốc Chiến, Phó Giám đốc công ty cổ phần Envico, đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tư vấn môi trường chia sẻ: "Các trang trại chăn nuôi không được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp giấy phép môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Bởi họ không có hệ thống xử lý nước thải được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Bên cạnh đó, chế độ quan trắc chất lượng môi trường nước định kỳ cũng không được chủ trang trại thực hiện, do không có báo cáo ĐTM hướng dẫn thực hiện”.

Vẫn biết tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế, thế nhưng trang trại cần phải đầy đủ hồ sơ pháp lý về môi trường trước khi đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, thiết nghĩ cơ quan chức năng cũng cần có một giải pháp đúng đắn nhất, có cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển các trang trại, chăn nuôi nông hộ. Cụ thể như hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, hướng dẫn làm hồ sơ pháp lý, các biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…. Khi nông dân có thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư và các biện pháp xử lý chất thải sẽ tránh được tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Tuấn Quỳnh - Trần Tình

Bạn đang đọc bài viết Trại lợn thiếu giấy phép môi trường tồn tại trong đồi chè tại Nghệ An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới