Trang trí Tết Nhâm Dần 2022: Nơi tấp nập, chỗ đìu hiu
Trái ngược với không khí “chạy đua” cung cấp hoa Tết khu vực miền Nam thì nhiều nơi tại miền Bắc quất, đào bày bán đầy đường nhưng không được đón nhận nhiều.
Hoa tết miền Nam khan hàng
Nhiều nơi tại khu vực miền Nam đang tấp nập chuẩn bị hoa tết cung ứng cho dịp Tết Nhâm Dần 20222. Ở TP.HCM thị trường hoa, cây cảnh trang trí Tết năm nay có dấu hiệu khan hàng hơn mọi năm, giá các loại cây cũng biến động tăng. Đại diện nhà vườn Hồng Phong (TP.Thủ Đức) thông tin, sản lượng cây cảnh nhập về không bằng năm ngoái. Các vườn trồng ở Sa Đéc (Đồng Tháp) làm hàng ít hơn do sợ người dân không đi mua sắm.
Anh Ngô Thanh Ngoãn, nhà vườn Hải Loan 2 (Bến Tre), cho hay, lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên người nông dân hạn chế số lượng cây cung cấp ra thị trường. Từ đó, số lượng cây bán cũng eo hẹp, nhà vườn chỉ nhập về khoảng vài trăm chậu mai, cúc và hoa giấy do không có nguồn hàng. “Trước dịch, họ làm từ 10.000 - 20.000 cây hoa giấy thì năm nay chỉ còn khoảng 4.000-5.000 cây”, anh Ngoãn nói. Do khan hiếm hàng nên giá hoa giấy trang trí dịp Tết Nhâm Dần sẽ đắt hơn mọi năm, mức tăng từ 10 - 20%.
Anh Trần Huy Hùng - cửa hàng vây kiểng Kim Thảo (TP.Thủ Đức) chia sẻ, số lượng lan nhập bán Tết giảm 30 - 40%. Năm nay, anh Hùng và các thành viên trong gia đình sẽ tự bán trực tiếp chứ không thuê người, để giảm bớt chi phí. Trung bình dịp Tết mọi năm, doanh thu từ bán cây khoảng 30 - 40 triệu đồng/ngày nhưng năm nay khó đạt được.
Chị Trịnh Thị Kim Lan, chủ vườn hoa trên địa bàn quận 12, TP.HCM cũng đang không đủ hàng cung ứng ra thị trường. Theo chị Lan, giá của vụ hoa Tết năm nay rất khó xác định vì mọi thứ từ chi phí nguyên liệu đều tăng và phải chờ tới sát tết mới xác định được.
Do tình hình dịch bệnh kéo dài trong suốt hai năm qua, đến nay những nhà vườn tại khu vực quận 12 cũng biết tính toán để phù hợp hơn trong việc xuống giống số lượng hoa, cây cảnh. Từ đó, tình trạng đập, bỏ những chậu hoa vào những ngày cận tết cũng giảm đi đáng kể.
Anh Đoàn Quốc Cường, chủ nhà vườn tại Thôn 1, xã Hòa Trung, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng chuyên trồng các loại hoa cúc để phục vụ nhu cầu dịp tết nguyên đán bộc bạch: “ Hai năm nay, dịch bệnh diễn biến khó lường, việc xuống giống cũng cân nhắc rất nhiều bởi mọi chi phí đều tăng mà hoa thì không biết có được giá hay không. Năm nay, tôi xuống giống với khoảng 1000 m2 để trồng hoa cúc, hiện nay thì giá cả tương đối ổn định so với năm ngoái, hi vọng tới tết sẽ không có biến động gì nhiều. Cũng đã có một số lái buôn đến đặt hoa cho dịp tết năm nay, có thể hoa sẽ hết sớm chứ không phải nhổ bỏ như năm trước”.
Cây cảnh miền Bắc đứng trước nguy cơ ế hàng
Ngược lại với dấu hiệu hoa tết khan hàng ở một số tỉnh thành phía Nam, thì tại một số tỉnh thành miền Bắc các loại cây kiểng đang đứng trước nguy cơ khó tiêu thụ.
Ông Phạm Văn Tiến (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), một người buôn đào Tết nhiều năm cho biết, như các năm trước, ông đặt mua cả vườn đào, đưa lên chợ hoa Vạn Phúc từ ngày 15 âm lịch. Năm nay, ông không dám buôn. “Nhiều nhà vườn sẵn sàng hạ nửa giá cho người mua buôn, nhưng tôi không dám lấy. Lấy đi không có chỗ bán thì cầm chắc phần thua” - ông Tiến chia sẻ.
Tại Thái Bình, ông Hà Đức Tuệ (thôn Nam Cầu Nhân, xã Đông Hòa, TP Thái Bình) canh tác khoảng 3 xào đất để trồng quất phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết cho biết, hiện số quất trồng được đều đang đến kỳ thu hoạch bán cho khách chơi Tết. Năm nay, thực trạng chung của các làng nghề cây cảnh dịp Tết, đều đìu hiu.
“Từ đầu tháng đến nay, chỉ có khách lẻ đến thăm vườn, chọn cây về trưng ngày Tết. Mọi năm, khách từ các tỉnh đưa ô tô tải đến đánh cả vườn. Họ đặt cọc, mua buôn cả vườn đưa đi chợ hoa các tỉnh để bán ngày Tết. Nhưng năm nay, dịch bệnh kéo dài, nhiều tỉnh đến giờ vẫn chưa mở chợ hoa xuân nên nhiều người bỏ cọc”, ông Tuệ cho hay.
Cũng theo ông Tuệ, khách buôn đặt cọc vài chục triệu mua cả vườn từ khi cây quất bắt đầu ra hoa, trước Tết vài tháng. Đến hẹn, nếu họ không về lấy cây được, sẽ hợp đồng với chủ vườn đánh bầu, bó tán, thuê xe vận chuyển đến các chợ hoa để trưng bán. “Năm nay, nhiều khách mua buôn chấp nhận mất tiền cọc, không về lấy cây. Chẳng ai muốn, nhưng đành phải chấp nhận, vì lý do họ lấy cả xe cây về mà không có chợ hoa để bán thì còn thiệt hại nhiều hơn”, ông Tuệ nói.
Dự tính với 3 sào quất của gia đình ông Tuệ có khoảng 200 cây, trừ chi phí phân bón, vật tư…, mỗi năm ông thu được khoảng 100 triệu đồng. “Hầu hết các nhà vườn đều giảm giá để người mua có thể chấp nhận được. Cả xã hội khó khăn chung, chia sẻ với nhau cũng là thuận tình…” - ông Tuệ nói.
Nằm bên cạnh vườn quất của ông Tuệ là 5 sào quất của gia đình bà Định. Bà Định cho biết, các năm trước, khách từ Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình… về tận các nhà vườn ở Đông Hòa lấy cây. Đến khoảng trước Rằm, hầu hết các vườn đều đã đánh hết cây, chuẩn bị cho vụ sang năm. Tuy nhiên, mọi việc năm nay đã khác. Nguyên do chính là ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chưa nói đến việc chợ hoa không mở cửa, việc đi lại giữa các tỉnh còn khó khăn khiến khách buôn không dám đi. Việc này dẫn tới đào, quất “ế liên tỉnh”.
Thanh Tùng (t/h)