Trẻ nhỏ béo phì do quá 'nóng'?
Nhiều hậu quả từ nắng nóng đến trẻ nhỏ đã được các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận gần đây. Nhiệt độ cao hơn cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe suốt đời và làm tăng tỷ lệ nhập viện của trẻ nhỏ.
Nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ
Các nhà khoa học phát hiện sự gia tăng nhiệt có liên quan đến việc tăng cân nhanh ở trẻ sơ sinh, làm tăng nguy cơ béo phì trong cuộc sống sau này. Nhiệt độ cao hơn cũng có liên quan đến sinh non, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe suốt đời và làm tăng tỷ lệ nhập viện của trẻ nhỏ.
Các nghiên cứu khác cho thấy tiếp xúc với khói từ các đám cháy rừng làm tăng gấp đôi nguy cơ bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, đồng thời giảm khả năng sinh sản có liên quan đến ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch, ngay cả ở mức độ thấp. Các nghiên cứu này được công bố trong một số đặc biệt của Tạp chí y khoa “Dịch tễ học nhi khoa và chu sinh”, mở rộng trên phạm vi toàn cầu từ Mỹ đến Đan Mạch, Israel và Australia.
Các nhà khoa học ở Israel đã tìm ra mối liên hệ giữa nhiệt độ và sự tăng cân nhanh chóng trong năm đầu đời của trẻ. Họ đã phân tích 200.000 ca sinh và phát hiện ra rằng những đứa trẻ tiếp xúc với 20% nhiệt độ cao nhất vào ban đêm có nguy cơ tăng cân nhanh cao hơn 5%.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Hebrew ở Jerusalem (Israel) cho biết, nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với cả biến đổi khí hậu và “đại dịch” béo phì, bởi vì giai đoạn sơ sinh rất quan trọng trong việc xác định cân nặng của người trưởng thành và vì những người béo phì có thể phải chịu đựng nhiều hơn trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt. “Đó là một giả thuyết thú vị rất đáng để theo dõi”, Giáo sư Gregory Wellenius, một trong những tác giả của nghiên cứu, thuộc Trường y tế cộng đồng của Đại học Boston, Mỹ nhấn mạnh.
Trên toàn cầu, 18% trẻ em hiện đang bị thừa cân hoặc béo phì. Một cơ chế có thể tồn tại để trẻ sơ sinh tăng cân nhanh chóng là lượng chất béo được đốt cháy ít hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể khi nhiệt độ môi trường cao hơn.
Trẻ em với thảm họa thiên nhiên
Năm 2019, nghiên cứu từ 35 tổ chức toàn cầu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy trẻ em là nạn nhân suốt đời của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo đó, nếu lượng phát thải nhà kính tiếp tục với tốc độ như hiện nay thì trẻ sơ sinh sẽ phải đối mặt với một thế giới ấm hơn 4 độ C vào năm 71 tuổi, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt xuất huyết và bệnh liên quan đến tim, phổi.
Trẻ em ngày nay sẽ phải hít thở bầu không khí ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch, gây giảm chức năng phổi, làm trầm trọng bệnh hen suyễn và gia tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ.
Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20 cm kể từ năm 1900.
Những thiên tai, thảm họa hình thành do biến đổi khí hậu khiến mùa màng thất bát, dịch bệnh hoành hành. Các quốc gia phải chi hàng tỉ đô la để cứu tế. Vì vậy, khí hậu càng khắc nghiệt, kinh tế càng thâm hụt. Nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, mất nhà cửa, đói kém,... khiến những đứa trẻ phải nghỉ học, không được ăn no, thậm chí phải trở thành lao động "bất đắc dĩ" trong gia đình.
Trẻ em đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những thảm họa thiên nhiên. Tiếp cận với thực phẩm, nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đang bị đe dọa và áp lực lên cộng đồng - do mất nguồn thu nhập và tài sản - điều này làm tăng sự tiếp xúc của trẻ với bạo lực, bóc lột và lạm dụng.
Nguyễn Linh (T/h)