Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ lao động
Nhiều giải pháp đã được ngành chức năng triển khai để ổn định thị trường lao động. Hiện nay, tình trạng thiếu đơn hàng đã khiến một số doanh nghiệp tại TP.HCM buộc phải sa thải lao động.
Nhiều giải pháp được triển khai để ổn định thị trường lao động
Do ảnh hưởng kinh tế thế giới, nhiều tháng qua, doanh nghiệp không có đơn đặt hàng. Dù đã xoay xở nhiều cách, nhưng doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 lao động. Các chính sách hỗ trợ đã được thông báo để người lao động nắm rõ.
Trước tình trạng này, nhiều giải pháp đã được ngành chức năng triển khai để ổn định thị trường lao động.
"Công ty cũng hỗ trợ cho 2 tháng lương, tiền thưởng Tết, quà Tết đầy đủ", chị M, công nhân, cho biết.
Tuy đến tháng 12, doanh nghiệp mới tiến hành cho công nhân nghỉ việc do không có đơn hàng, nhưng ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp đã đến treo biển tuyển dụng, chỉ tiêu từ 300-500 lao động, mức lương từ 6,5 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng. Điều này cho thấy tình trạng cho công nhân nghỉ việc chỉ xảy ra ở một số doanh nghiệp và tùy theo ngành hàng, nhóm hàng.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố có 23 doanh nghiệp gửi phương án sắp xếp lao động, trong đó số lao động ngừng việc là gần 3.000 người. Các doanh nghiệp này chủ yếu thuộc lĩnh vực dệt may, da giày gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết: "Sở đã có chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với phòng lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội có kế hoạch đến tổ chức, tiếp xúc với người lao động, tổ chức công đoàn cơ sở, có phương án kết nối giữa các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với ngành nghề phù hợp để tổ chức lại lực lượng lao động".
Với số lượng người lao động nghỉ việc, giảm việc hiện nay, các cơ quan của Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đang theo dõi chặt chẽ để kịp thời có các kiến nghị và công tác hỗ trợ người lao động.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho hay: "Khi doanh nghiệp xây dựng phương án cắt giảm lao động thì phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật, trong đó đặc biệt đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động. Tổ chức công đoàn sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng cố gắng kết nối tìm việc làm cho số lao động bị mất việc. Trong kế hoạch chăm lo Tết, người lao động bị mất việc cũng sẽ là đối tượng được ưu tiên".
Sở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng vừa đề xuất UBND TP lập tổ liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, quan hệ lao động nhằm hạn chế các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động dịp cuối năm.
20.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động
Thông tin trước đó cho hay, gói hỗ trợ này được Ngân hàng Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động cùng với 2 công ty tài chính ký kết triển khai nhằm đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen. Đây cũng là lần đầu tiên có gói tín dụng với quy mô lớn dành riêng cho công nhân, bởi nhóm này thường bị các đối tượng cho vay nặng lãi nhắm tới, gây ra nhiều hệ lụy xã hội.
Thông qua chương trình, người lao động có thể được vay với mức lãi suất thấp, chỉ bằng 50% lãi suất thị trường, với mức vay lên tới 70 triệu đồng cho các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.
Ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) cho hay: "Khi khảo sát tại nhiều địa phương, chúng tôi thấy nhu cầu vay tiêu dùng thực tế của công nhân tại các khu công nghiệp là rất lớn nhưng họ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng, nên nhiều người đã tìm đến tín dụng đen.
Gói vay này sẽ giúp người lao động dễ dàng tiếp cận được tới nguồn vốn vay chính thống, có thể vay trả góp từ 0%, hoặc qua thẻ tín dụng, nhằm giải quyết những nhu cầu tiêu dùng thiết thực của họ và gia đình, từ đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen".
Huyền Diệu