Chủ nhật, 24/11/2024 07:04 (GMT+7)
Thứ ba, 20/10/2020 06:15 (GMT+7)

Triều cường ‘đến hẹn lại lên’, bao giờ TP.HCM hết ngập?

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù đã chi hàng nghìn tỉ đồng để chống ngập. Nhưng tình trạng ngập lụt do triều cường tại TP.HCM vẫn còn nghiêm trọng, mục tiêu TP.HCM “hết ngập nước” vẫn trở nên xa vời.

Triều cường ‘đến hẹn lại lên’

Những ngày này, người dân sống bên đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (Quận 7) và một số tuyến đường như: Nguyễn Tất Thành (Quận 4), Nguyễn Văn Hưởng, Lương Định Của, Quốc Hương (Quận 2) liên tục hứng chịu những trận mưa lớn, kết hợp với triều cường. Tuy nhiên, chiều 19/10, triều cường dâng cao hơn và đạt đỉnh cao nhất vào lúc 18h, khiến cho nhiều tuyến đường thành sông, gây ngập nặng cho nhiều nhà dân.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, đỉnh triều cường đo được tại trạm Nhà Bè lúc 18h ngày 19/10 là 1,71m; trạm Phú An 1,66m vượt mức báo động III từ 0,06 – 0,11m.

Triều cường ‘đến hẹn lại lên’, bao giờ TP.HCM hết ngập? - Ảnh 1
Nhiều tuyến đường TP.HCM bị ngập nặng do triều cường. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Người dân sống ở những khu vực trên cho biết, 2 ngày trở lại đây triều cường lên rất nhanh, mực nước dâng cao hơn mọi khi, khiến hầu hết các tuyến đường thành sông, đi lại hết sức khó khăn. Nước tràn cả vào nhà, hàng quán, gây đảo lộn sinh hoạt.

Chia sẻ với VOV, bà Trịnh Múi Tự sống trên đường Trần Xuân Soạn (Quận 7) cho biết: “Năm nay ngập nặng hơn mọi năm. Một năm trung bình ngập 3 đợt nhưng mà năm nay ngập nặng, ngập lâu và thời gian nước rút cũng chậm hơn. Như ngày hôm qua, nước khắp trong nhà tôi, ngoài đường xe chết máy cũng nhiều. Mỗi lần xe tải chạy qua là sóng nước dềnh lên tràn vào trong nhà ngập đến đầu gối. Đồ đạc hư hết, kê cao 2, 3 cục gạch mà vẫn bị ướt”.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch và hiện đang ở mức cao. Trung tâm này còn thông tin thêm, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai còn lên chậm đến hết ngày 19/10, sau xuống nhanh.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ khuyến cáo mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP.HCM ở cấp độ 3. Đây là kỳ triều cao trong năm, cần đề phòng khả năng triều cao kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt các vùng trũng, thấp.

Đầu tư thiếu đồng bộ

Triều cường gây ngập không còn là chuyện xa lạ gì với người dân TP.HCM. Mặc dù đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho các dự án chống ngập, nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, TP.HCM đang bị sụt lún nghiêm trọng do việc khai thác nước ngầm quá mức và bê-tông hóa lan rộng, cùng nhiều nguyên nhân khác khiến công tác chống ngập gặp nhiều khó khăn.

Một số chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, TP.HCM đã bị ngập từ 10 - 15%. Thủy triều tại thành phố có xu hướng ngày càng lên cao. Dự kiến trong 7 - 10 năm tới, mưa đổ xuống kết hợp với triều cường dâng, nếu thành phố không có giải pháp chống ngập thì một phần ba diện tích sẽ chìm trong nước, tình trạng ngập lụt được dự báo sẽ phức tạp.

Triều cường ‘đến hẹn lại lên’, bao giờ TP.HCM hết ngập? - Ảnh 2

Trao đổi với báo Đầu tư, ông Đỗ Tấn Long, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt do triều cường hay mưa lớn tại TP.HCM là do hệ thống thoát nước của Thành phố chỉ đáp ứng quy mô 2 triệu dân. Trong khi đó, dân số đã tăng gấp 5 lần và khối lượng cống thoát nước chỉ đạt gần 70% so với yêu cầu. Chưa kể, hệ thống cống đã xuống cấp, biến dạng và không đồng bộ khi đấu nối ở cửa xả, lòng rạch bị bồi lắng và trữ nước rất kém.

Trong khi đó, PGS-TS, kiến trúc sư Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ngập lụt tại TP.HCM là do thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước đô thị để đáp ứng tốc độ đô thị hóa.

Điển hình là sự phát triển mạnh dự án nhà ở về phía Nam TP.HCM trên nền đất yếu và thấp, hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã khiến hàng ngàn héc-ta chứa nước bị biến mất.

Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa không chỉ làm tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm và gây lún cho đô thị, mà còn tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt, làm gia tăng cả về số lượng và quy mô những cơn mưa nhiệt đới trong khu vực.

Trong khi tốc độ bê tông hóa tại khu vực ngoại thành ngày càng nhanh, thì tại khu vực nội thành, hệ thống tiêu thoát nước cũ kỹ, hư hỏng, không hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên hoặc chưa hoàn chỉnh…, nên chỉ cần một trận mưa là gây ngập úng nhiều khu vực của Thành phố.

Cả ông Cường và ông Long đều cho rằng, để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước của TP.HCM, cần có nguồn vốn lớn. Vì vậy, phải huy động nguồn vốn từ nhiều phía để đầu tư tập trung hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước đấu nối từ hẻm nhỏ ra hẻm lớn và thông ra các tuyến đường, không chỉ đáp ứng quy mô dân số ở thời điểm hiện tại, mà phải có tầm nhìn xa hơn. Đồng thời, cần chấn chỉnh ngay và hạn chế lấp kênh, rạch; xử lý nghiêm hành vi vứt rác xuống kênh để bảo đảm dòng chảy được thông suốt; đẩy mạnh xây dựng các cống ngăn triều để hình thành một hệ thống hoàn chỉnh…

Hàng loạt dự án chống ngập chậm tiến độ

Để đối phó với triều cường, những năm qua, TP đã đầu tư không ít vào các dự án chống ngập. Một trong những công trình được kỳ vọng mang lại nhiều hiệu quả chống ngập trong năm nay là Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), quy mô đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào giữa năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 cùng khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự kiến đến tháng 4/2018 hoàn thành nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ hoàn thành gần 80% khối lượng. Chủ đầu tư cho biết, tháng 10/2020 sẽ hoàn thành.

Triều cường ‘đến hẹn lại lên’, bao giờ TP.HCM hết ngập? - Ảnh 3
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu vẫn đang chậm tiến độ. (Ảnh: Internet)

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương phê duyệt vào năm 2006. Mãi đến năm 2015 mới khởi công được gói thầu đầu tiên. Toàn bộ dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020, tuy nhiên tiến độ vẫn còn khá chậm. Đến nay, các nhà thầu vẫn đang thi công hệ thống cống dọc đường Võ Văn Kiệt, bến Vân Đồn, rạch Hàng Bàng… Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông vẫn khẳng định cuối năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án, lúc đó việc chống ngập sẽ được cải thiện.

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), tổng cộng kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 là 25.998 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách TP.HCM là 7.047 tỉ đồng; các dự án theo hình thức PPP là 9.927 tỉ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 9.024 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TP.HCM đang đẩy mạnh Cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” nhằm kêu gọi người dân không xả rác ra các miệng hố ga, cống thoát nước, kênh rạch.

Với hàng loạt giải pháp mà TP.HCM đã và đang triển khai thực hiện, hy vọng một thời gian không xa, tình trạng ngập nước trên địa bàn sẽ sớm được căn bản giải quyết, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân thành phố.

Từ đầu năm 2020 đến nay, TP.HCM ghi nhận 22 tuyến đường còn hiện tượng ngập, lụt do mưa, do triều gồm đường Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Ngọc Lãm, Song Hành, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Ràn, Nguyễn Văn Quá.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Triều cường ‘đến hẹn lại lên’, bao giờ TP.HCM hết ngập?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới