Chủ nhật, 24/11/2024 06:35 (GMT+7)
Thứ hai, 08/03/2021 11:12 (GMT+7)

Trồng một cây xanh thêm một mầm hạnh phúc

Theo dõi KTMT trên

"Tết trồng cây" là nét đẹp văn hóa được người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc hưởng ứng sôi nổi trong mỗi mùa xuân mới. Tuy nhiên, việc làm này cần thực hiện tích cực, hiệu quả, tránh phô trương, mang tính hình thức.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trò chuyện đầu năm với Nhà báo, ThS. Phan Chí Hiếu – Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Trồng một cây xanh thêm một mầm hạnh phúc - Ảnh 1

Nhà báo, ThS. Phan Chí Hiếu – Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Để Tết trồng cây không phải là hình thức

Đầu Xuân Tân Sửu, nhiều tỉnh thành đã phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, ông đánh giá thế nào về sự “phủ xanh” này trên cả nước?

- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng đã trở thành một nét đẹp văn hóa đầu xuân, luôn được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và nhân dân trên cả nước quan tâm và tích cực hưởng ứng tham gia. Đây là tiền đề cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ra những hậu quả nặng nề tại nhiều địa phương trên cả nước. Ngày 31/12/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Sau 2 tháng phát động, Chỉ thị bước đầu đã đạt tính lan tỏa khi nhiều địa phương đã hưởng ứng tổ chức trồng cây gây rừng; Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen tỉnh Bến Tre là địa phương đầu tiên hưởng ứng sáng kiến tham gia trồng 1 tỉ cây xanh bằng nguồn xã hội hóa; Thủ tướng cũng phát động Chương trình trồng  1 tỉ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” và hưởng ứng “Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu năm 2021 tại TP.Tuyên Quang.

Trồng một cây xanh thêm một mầm hạnh phúc - Ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang trồng cây lưu niệm tại Khu di tích kháng chiến Tân Trào, Tuyên Quang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hưởng ứng lời kêu gọi thông qua hoạt động trồng mới hơn 11.000 cây xanh tại tỉnh Quảng Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra mục tiêu năm 2021 trồng khoảng 182 triệu cây xanh (trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020)…

Phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với bảo vệ thiên nhiên, môi trường là chìa khóa của sự phát triển bền vững. Mùa xuân này, mỗi đơn vị, cơ quan, mỗi gia đình, mỗi người dân hãy trồng thêm một cây xanh, gieo thêm mầm xanh, mầm hạnh phúc của cuộc sống. 

Như vậy, sau mỗi Tết trồng cây, lại có thêm hàng chục nghìn cây xanh được trồng mới. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại phong trào này còn mang tính hình thức. Vậy chúng ta cần làm gì để Tết trồng cây thực sự có ý nghĩa và hiệu quả, thưa ông?

- Thực tế Tết trồng cây những năm qua cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Trồng cây vì ý nghĩa và lợi ích thực sự của cây hay vì thành tích? Trồng cây lớn hay nhỏ, kế hoạch trồng, chăm sóc và đánh giá kết quả thế nào cũng là một bài toán đặt ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: Phải liên hệ chặt chẽ Tết trồng cây với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người cũng căn dặn: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”.

Do đó, để Tết trồng cây thực sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực, quan trọng hơn hết vẫn là sự thống nhất, quán triệt công tác tư tưởng và chỉ đạo sát sao từ ban, bộ, ngành Trung ương đến từng địa phương, cần có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng, gắn trồng cây với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời có kế hoạch chăm sóc lâu dài để cây phát triển tự nhiên.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều vùng ở phía Nam nước ta đã áp dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp vệ tinh, quản lý, chăm sóc cây trồng theo địa điểm. Tùy theo điều kiện của từng địa phương và quy hoạch vùng trồng cây, chúng ta có thể sử dụng phương pháp này, hệ thống số hóa và cấp quota điện tử cho người dân. Ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực trồng trọt giúp giảm sự lệ thuộc vào mùa vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp mở rộng sản xuất theo xu hướng hiện đại.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, trồng rừng cần tiếp tục được các cấp, ngành đẩy mạnh hơn nữa. Từ đó, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của trồng cây gây rừng, đây là việc làm “tốn kém ít mà lợi ích nhiều”, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ màu xanh cuộc sống

Thực tế cho thấy, trồng cây để mang lại bóng mát hay cảnh quan tính bằng hàng chục năm hay bằng cả trăm năm, nhưng việc chặt cây có thể chỉ diễn ra trong một ngày. Người dân Hà Nội đã từng rất đau đáu khi nhiều cây xanh lâu năm trên một số tuyến đường bị chặt hạ để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Từ việc trồng cây nên chăng nghĩ đến vấn đề quy hoạch đô thị sao cho đúng và không lãng phí các cây cổ thụ trong nội đô, thưa ông?

- Quy hoạch lại đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Trong quá trình ấy, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi, mất mát; Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển đô thị cũng cần có lộ trình, có kế hoạch, đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo vệ môi sinh.

Thiết nghĩ, quy hoạch cây xanh là cần thiết và quan trọng trong quá trình phát triển đô thị bền vững. Để đạt được các mục tiêu toàn diện, các cơ quan quản lý cần chuẩn bị kỹ lưỡng một chiến lược quy hoạch trồng cây bài bản, tổng thể, mang tính chuẩn hóa trên toàn quốc, trồng đâu được đấy, đúng số lượng, chủng loại, quy cách, thổ nhưỡng, vừa đảm bảo môi trường vừa có hiệu quả kinh tế. Đồng thời nghiên cứu, phát triển những loại cây trồng thích hợp và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định trồng các loại cây đô thị, đảm bảo mỹ quan, tránh lãng phí, phù hợp xu thế phát triển.

Trong thời gian tới, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ có những hoạt động gì để hưởng ứng chương trình Tết trồng cây, thưa ông?

- Thực hiện sứ mệnh góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, từ nhiều năm nay, TW Hội luôn thực hiện thường niên chương trình trồng cây Bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật tại nhiều ngôi chùa linh thiêng của nước ta, trong đó nhiều nơi là những di tích lịch sử. Rất vui mừng khi được biết những cây Bồ đề này được người dân địa phương chăm sóc cẩn thận, đều phát triển rất tốt, tỏa bóng mát xanh tươi. Chúng tôi tin tưởng rằng nếu mỗi người góp sức gieo trồng một cây xanh thì chúng ta sẽ sớm có được nhiều rừng cây, hướng đến hoàn thành kế hoạch trồng 1 tỉ cây xanh “vì một Việt Nam xanh”.

Trồng một cây xanh thêm một mầm hạnh phúc - Ảnh 3
Cây Bồ đề được TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trồng tại Chùa Doanh Châu (Hải Đông, Nam Định).

TW Hội sẽ tiếp tục ươm nhiều mầm cây xanh ở nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lụt lịch sử trong năm 2020 vừa qua ở miền Trung, một số trường học – nơi trực tiếp đưa các bài học giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy, khuyến khích mỗi học sinh luôn có ý thức bảo vệ và trồng cây xanh ngay trong khuôn viên nhà trường. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 khả quan hơn, chắc chắn chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai chương trình ý nghĩa này, để hòa chung vào mùa xuân xanh đang sôi nổi tại nhiều địa phương. 

TW Hội hoạt động dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chuyên môn, sự chỉ đạo từ Bộ Nội vụ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) về nghiệp vụ. Hiện, TW Hội tham gia vào Đoàn Chủ tịch của VUSTA, trực tiếp phụ trách các vấn đề về môi trường, trồng cây xanh, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên đáng báo động. TW Hội sẽ có chiến lược và hành động cụ thể để hoàn thành đúng sứ mệnh bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh bền vững, khẳng định vị thế, uy tín của TW Hội trong Liên hiệp Hội Việt Nam, cộng đồng nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức trong, ngoài nước.

Mặt khác, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cũng thường xuyên tham gia nhiều diễn đàn về môi trường của Bộ TN&MT và đưa ý kiến phản biện; Đóng góp ý kiến cho công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Tới đây, TW Hội sẽ phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện nhiều dự án bảo vệ môi trường, trồng và bảo vệ cây xanh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Bằng cách tận dụng thế mạnh của Tạp chí Kinh tế Môi trường – Cơ quan ngôn luận của TW Hội, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về môi trường, ý nghĩa tích cực của việc trồng cây xanh để “ích nước – lợi nhà”, tăng cường kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ màu xanh của cuộc sống tới cộng đồng xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phúc Thanh (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Trồng một cây xanh thêm một mầm hạnh phúc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới