[Kỳ 1] Trung tâm triển lãm Giảng Võ - Nhớ và suy ngẫm về ký ức qua một vài sự kiện
Tại sao lại dừng hoạt động Trung tâm Triển lãm Giảng Võ? Có phải hoạt động trước đây của Trung tâm này không tốt, không có hiệu quả? Đó là 2 trong số rất nhiều câu hỏi người dân Hà Nội nghĩ đến Trung tâm Triển lãm Giảng Võ.
Thời gian gần đây (những năm 2010) trên TV có nhiều chương trình nhắc lại những ký ức từ nhiều năm về trước mà người Việt Nam vẫn còn nhớ tới. Có thể kể đến chương trình “Quán Thanh xuân” với nhiều câu truyện về thời bao cấp như xếp hàng mua gạo, thực phẩm, vải may quần áo theo tem phiếu với định lượng rất hạn chế, với cảnh đi tàu xe chật chội, những căn hộ nhỏ, tồi tàn,... nhưng cũng có nhiều nhận xét khá tích cực về tình người, về cuộc sống khổ nhưng có vẻ thanh bình và vẫn có nhiều niềm vui.
Hay chương trình “Ký ức vui vẻ” dựng lại nhiều cảnh sống ngày xưa của nhiều người, trong đó tập trung vào cuộc sống của nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật. Tiếng cười đã bật lên thật vui nhưng đôi lúc cũng chứa đựng cả xót xa khi cuộc sống còn nhiều khó khăn mà cả xã hội phải trải qua khi đất nước vừa mới đi qua chiến tranh, bị các nước ngoài cấm vận và cả chậm chuyển đổi nền kinh tế.
Cách đặt vấn đề của các chương trình này rất hay và hấp dẫn người xem, những người viết kịch bản đã tiếp cận cách gợi mở câu chuyện theo chiều hướng như nó đã diễn ra và không quá sa đà vào giải thích căn nguyên vì sao lại như vậy.
Bởi vì quá khứ là quá khứ, không thể thay đổi được, chúng ta phải chấp nhận nhưng chấp nhận như thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào các tầng lớp công chúng, vào lứa tuổi, vào thế hệ đã trải qua hoặc không trải qua các sự kiện quá khứ ấy. Với người trẻ không được chứng kiến, họ không hiểu hạt bobo là gì, không hiểu tại sao phải định ra chế độ tem phiếu, tại sao lại không đủ lương thực cung cấp,... Nghĩa là một loạt câu hỏi tại sao được nảy sinh khi xem, nghe lại câu chuyện trong các chương trình này vào lúc họ đã được ăn no, được mặc ấm, được thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật,... một các rất đỗi bình thường và có lẽ họ sẽ không bao giờ được giải đáp trọn vẹn nếu không có những nghiên cứu, cắt nghĩa rõ ràng những điều đã xảy ra.
Tôi rất mong sau các chương trình TV này sẽ có những chương trình đi sâu làm rõ tình hình nước ta thời gian trước đây trong bối cảnh chung toàn thế giới. Chắc chắn sẽ khó có được cách giải thích, cắt nghĩa thật thấu đáo, đúng với tình hình, hoàn cảnh đã xảy ra nhưng cũng có thể làm rõ hơn vì sao có những sự việc như vậy qua cảm nghĩ của nhiều người trong cuộc.
Đối với những người già đã từng sống trong quảng thời gian đó thì mỗi người có những ký ức riêng, thậm chí có ký ức khá cực đoan nữa. Nhưng rồi, với cuộc sống đã đổi thay nhiều mặt hôm nay thì chỉ còn đọng lại một vài ký ức đáng nhớ nhất với mỗi con người, trong đó có những nuối tiếc khó quên về nơi mình đã sống, những gì mình đã trải qua, cả vui cả buồn.
Mới đây, nhóm bạn học những năm cuối phổ thông của tôi, nay đã ngoài 70 tuổi có cuộc gặp mặt và có nêu lại nhiều kỷ niệm, nhiều ký ức, nhiều nỗi nhớ về quá khứ. Một người đã gợi lại những nuối tiếc dã được đưa trên mặt báo ngày xưa về mất đi tiếng leng keng của tàu điện ở Hà Nội hay mất đi đoạn đường sắt bánh răng từ Sài Gòn lên Đà Lạt, một công trình khá nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên Thế giới.
Một người khác, tuy vẫn tiếc nhưng có thể coi đây là cái giá phải trả để có những công trình mới hiện đại hơn như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm (đang thi công) sẽ được đưa vào sử dụng nay mai. Và với những gì chúng ta đang có (đủ lương thực thực phẩm; đa dạng hàng hóa, dịch vụ; nhiều nhà ở, công sở khang trang; hệ thống giao thông phát triển nhanh chóng, nhiều nhà máy, khu công nghiệp phát triển hiện đại; nhiều ô tô,....) thì những gì mất đi chỉ là giá phải trả, phải chấp nhận.
Thế rồi, có một người nhắc đến một sự kiện mới gần đây thôi là Khu triển lãm Giảng võ vừa bị san lấp để xây dựng công trình khác nhưng chưa có khu vực thay thế nên các cuộc triển lãm, các sự kiện lớn thường được tổ chức ở Giảng Võ cũng ít đi trông thấy và cho dù có tổ chức ở nơi khác nhưng quy mô cũng nhỏ đi nhiều, hiệu quả kinh tế xã hội suy giảm. Vì sự kiện này mới diễn ra gần đây nên tôi cố gắng vào mạng thu thập tin tức xem nó diễn ra như thế nào và cố gắng tìm lời giải đáp một loạt các câu hỏi như:
Tại sao lại dừng hoạt động Trung tâm Triển lãm Giảng Võ?
Có phải hoạt động trước đây của Trung tâm này không tốt, không có hiệu quả?
Hà Nội có cần một Trung tâm Triễn lãm quy mô lớn như vậy không?
Đã có dự án dự định xây dựng khu triển lãm thay thế chưa? Và tại sao dừng hoạt động Trung tâm này mà lại chưa có dự án thay thế ngay?
Liệu có những thiệt hại gì khi Hà Nội thiếu đi những hoạt động triển lãm, những sự kiện văn hóa, xã hội như đã thực hiện ở Triển lãm Giảng Võ?
Khu đất “vàng” này được chuyển sang làm gì, có mục tiêu mục đích gì?
Cơ quan nào có thẩm quyền cho phép chuyển đổi?
Dự án thay thế thuộc loại nào (cơ sở sản xuất, dịch vụ hay khu công sở - nhà ở)?
Có tính toán, đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án mới và dự án cũ trên mảnh đất này không?
Quy mô dự án mới ở Giảng Võ lớn cỡ nào? Chủ dự án là ai?
Và nhiều câu hỏi liên quan khác.
Về lý thuyết, cái gì đã xảy ra, đã thay đổi đều có lý do của nó. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn không chỉ của Hà Nội mà còn liên quan nhiều mặt đến lợi ích chung cả nước nên người dân cũng cần được biết về những lý do này càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt.
Những gì lợi ích mới đưa lại sẽ được nhân dân ghi nhận, tôn vinh; những gì còn hạn chế sẽ được cộng đồng quan tâm chia sẻ và đồng hành để giải quyết, kể cả những sai phạm (nếu có). Tôi xin bày tỏ những suy ngẫm về sự kiện này thông qua phân tích những gì thu thập được trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội có nguồn gốc rõ ràng.
Xem tiếp Kỳ 2: Những “sứ mệnh” của Trung tâm Triển lãm Giảng Võ từ ngày được “khai sinh”
GS.TS Hoàng Xuân Cơ
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam