Chủ nhật, 24/11/2024 09:03 (GMT+7)
Thứ bảy, 25/06/2022 06:12 (GMT+7)

Từ 27/6, tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển trên đảo Hòn Mun

Theo dõi KTMT trên

Thông báo từ Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho biết, từ ngày 27/6, mọi hoạt động bơi, lặn biển tại khu vực Hòn Mun sẽ tạm ngừng.

Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Ở đây, có quần thể sinh thái biển đa dạng, phong phú từ san hô, thảm cỏ biển, cho tới rừng ngập mặn, vùng đáy mềm hoặc vách đá, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun được công nhận là phong phú.

Trước sự biến đổi khí hậu, sức ép phát triển kinh tế, du lịch, hệ sinh thái tự nhiên nơi đây đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Khu vực Hòn Mun là vùng lõi của Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang do Ban quản lý Vịnh Nha Trang quản lý. 3 năm trước, khu vực này có độ phủ san hô đến 60% thì đợt khảo sát mới đây chất lượng san hộ đã suy giảm. Khu vực Tây Nam Hòn Mun tỉ lệ bao phủ của san hô chỉ còn 7- 8%. Rạn san hô chết, sóng đánh lên bờ kéo dài một bãi rộng đến 900 m2. Tình trạng san hô chết hàng loạt cũng diễn ra tại một số vùng biển ở vịnh Nha Trang. 

Theo đó, Ban quản lý Vịnh Nha Trang thông báo tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại các điểm lặn xung quanh Hòn Mun để tiến hành triển khai, khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định các khu vực dễ bị tổn thương, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang phù hợp trong thời gian tới.

Từ 27/6, tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển trên đảo Hòn Mun - Ảnh 1
San hô đảo Hòn Mun bị hư hại, suy giảm nghiêm trọng, với độ phủ san hô từ hơn 50% cách đây 7 năm, nay chỉ còn trên dưới 10%, tùy khu vực. (Ảnh internet)

Quyết định này được đưa ra sau khi có phản ánh việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, Vịnh Nha Trang. Rạn san hô chết trắng, phủ kín hàng trăm m2. Hệ sinh thái biển xơ xác, tan hoang.

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý Vịnh Nha Trang, cho biết thêm việc tạm ngừng bơi, lặn biển chỉ áp dụng ở khu vực nhạy cảm ở Hòn Mun. Hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường, du khách vẫn được tham quan Hòn Mun theo chương trình tour tham quan Vịnh Nha Trang.

Theo Ban quản lý Vịnh Nha Trang, có nhiều nguyên nhân khiến rạn san hô suy giảm. Trong đó, việc xây dựng, san lấp các công trình ven biển, đảo dẫn đến trầm tích lắng đọng trên bề mặt khiến san hô chết. Biến đổi khí hậu, các đợt bão trong những năm trước cũng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Ngoài ra, sự bùng phát của các loài dịch hại như sao biển cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Trước đó, ngày 22/6, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa kết luận hiện phần lớn rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo đó, các rạn san hô ở Vịnh Nha Trang giảm do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng hai cơn bão lớn vào năm 2019 và 2021. Hệ sinh thái ở vịnh biến đổi vì khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển sai quy định, xả thải trong du lịch...

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý Vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót; nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch...).

Chính vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và phục hồi hệ sinh thái biển đa dạng tại Vịnh Nha Trang, trong đó có rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh Khánh Hòa nói chung và TP. Nha Trang nói riêng. Nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ quan điểm: "Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu".

Vịnh Nha Trang có diện gần 250 km2, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Nơi này thu hút du khách, người đam mê lặn biển khi có các bãi lặn nổi tiếng, nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam.

Thời gian qua, san hô trong vịnh bị hư hại, suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt tại khu Bảo tồn Hòn Mun, độ phủ san hô từ hơn 50% cách đây 7 năm, nay chỉ còn trên dưới 10%, tùy khu vực.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhận định, san hô chết, san hô bị hư hại là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về môi trường biển, gây ra nhiều tác hại.

Trong đó, san hô quý hiếm tại biển Hòn Mun ở Vịnh Nha Trang bị “xóa trắng là vấn đề nghiêm trọng”. Bởi, để có một rạn san hô phải mất thời gian dài, có khi hàng nghìn năm, hay cả triệu trăm. Còn tình trạng san hô chết trắng như hiện nay là rất khó phục hồi, và việc phục hồi mất nhiều thời gian lẫn tiền bạc, có khi còn không thể phục hồi được.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Từ 27/6, tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển trên đảo Hòn Mun. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới