Từ hôm nay (5/8), CSGT được xử phạt dựa vào hình ảnh, video trên mạng xã hội
Từ ngày hôm nay (5/8), Cảnh sát giao thông được quyền xác minh, xử phạt các hành vi vi phạm giao thông được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.
(Ảnh minh họa) |
Đây là quy định mới có trong Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT). Thông tư 65 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2020.
Theo đó, tại khoản 1, điều 24 của Thông tư này nêu rõ, những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn: Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Thông tư 65 cũng quy định, những thông tin, hình ảnh này làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh xe vi phạm có thể cung cấp cho đơn vị CSGT nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp.
Tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.
Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, việc bổ sung nội dung trên là phù hợp với Điều 83, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã có hiệu lực từ 1/1/2020 và phù hợp với giai đoạn hiện nay, khi các thông tin trên mạng xã hội rất phát triển, nhiều người quan tâm.
Như vậy, ngoài xử phạt thông qua hệ thống camera quan sát, lực lượng CSGT thông qua các phương tiện như báo chí, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử… sẽ tiếp nhận những hình ảnh vi phạm từ các tổ chức, cá nhân để xác minh, xử phạt nghiêm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Để tránh tình trạng thông tin không chính xác, bị làm giả, CSGT sẽ trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời gửi văn bản đến cơ quan báo chí, cá nhân đã đăng tải đề nghị cung cấp thông tin sự việc.
Ngoài ra, Thông tư 65 cũng yêu cầu đơn vị CSGT cấp huyện trở lên có nhiệm vụ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm và phải đảm bảo bí mật họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của nguồn tin.
4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện Cũng theo Thông tư 65 của Bộ Công an, CSGT được dừng phương tiện trong 4 trường hợp sau: - Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác. - Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. - Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông. - Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm… |
Mai Anh