Chủ nhật, 24/11/2024 09:59 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/12/2021 13:00 (GMT+7)

Tương lai nào cho ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới, song ngành công nghiệp tái chế lại không quá phát triển. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được đề xuất như một bước đệm cho công nghiệp tái chế và kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường đứng thứ 4 thế giới, mức độ ô nhiễm rác thải nhựa đứng thứ 17 toàn cầu. Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng- Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam: Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa.

Trong những năm gần đây, lượng rác thải nhựa tăng một cách chóng mặt. Năm 2014, tổng lượng rác thải nhựa là 1,8 triệu tấn/năm, sang 2016, con số này đã tăng lên 2 triệu tấn/năm và đến hiện nay là 3,27 triệu tấn/năm. Mỗi tháng, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi nilon. Chỉ riêng tại hai thành phố lớn TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, lượng rác thải nhựa và nilon thải ra môi trường mỗi ngày lên đến 80 tấn. Ước tính chỉ có 11-12% lượng rác thải được xử lý, số còn lại chủ yếu là đốt, chôn lấp hoặc thải trực tiếp ra môi trường. 

Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa do IFC và Ngân hàng thế giới thực hiện, mỗi năm có khoảng 3,9 tấn rác thải nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong đó, chỉ có 33% tổng lượng rác thải được tái chế. 

Tương lai nào cho ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam? - Ảnh 1
Biểu đồ so sánh tỉ lệ tái chế bình quân (CFR) các loại rác thải nhựa tại Việt Nam. (Nguồn: Báo cáo Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa (IFC và WB))

Cũng theo báo cáo này, mỗi năm có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỉ USD mỗi năm. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển. Tỉ lệ tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam chỉ đạt mức 33%. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - EPR (Extended Producer Responsibility) đã được cân nhắc thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế trong nước. 

Tương lai nào cho ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam? - Ảnh 2
Sơ đồ vòng đời của sản phẩm khi áp dụng EPR.

Theo ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hội Nhựa tái sinh tại Việt Nam, Việt Nam là nước có sản lượng nhập khẩu phế liệu đứng thứ 2 thế giới, cả nước có 71 nhà máy tái chế được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Tại sao lại cần nhập khẩu phế liệu trong khi lượng rác thải nhựa tại Việt Nam đứng thứ 4 thế giới? Lượng rác thải trong nước hầu như chưa được phân loại, gây cản trở lớn tới quá trình tái chế và xử lý. Đây cũng là lý do các nhà máy tái chế rác thải chuyên nghiệp trong nước thường xuyên nhập khẩu phế liệu.

Các cơ sở thu thập phế liệu tại Việt Nam chủ yếu là những cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động theo hình thức gia đình, chưa có chuyên môn cao. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là phụ nữ. Vậy nên để thúc đẩy công nghiệp tái chế tại Việt Nam cần tiến hành nhiều công đoạn, bước thay đổi lớn. 

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: “Cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống, phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn, khâu này là quan trọng nhất”.

Về phía doanh nghiệp, ông Fausto Tazzi - Tổng giám đốc Công ty Lavie, Phó chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho rằng: EPR là cách tốt nhất và rẻ nhất để giảm thiểu lượng rác thải. Chính sách này sẽ khép kín trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vòng đời của sản phẩm. 

Tuy nhiên, ông Fausto Tazzi cũng chia sẻ thêm, thực hiện EPR cần sự nỗ lực từ cả hai phía người tiêu dùng và doanh nghiệp. Việc tái chế rác thải nhựa không chỉ nằm ở việc doanh nghiệp thu thập bao nhiêu bao bì mà còn nằm ở thói quen của người tiêu dùng. Thực hiện EPR cần thời gian, là một cuộc hành trình dài mà chúng ta cần thực hiện cùng nhau.

“EPR và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR” - theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh: “Mặc dù còn một số ý kiến cho rằng EPR là gánh nặng của doanh nghiệp, song nhìn dưới góc độ khái quát hơn, rộng hơn, theo chúng tôi, EPR là cơ hội chia sẻ gánh nặng của các bên. Cơ hội để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và môi trường". 

Tương lai nào cho ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam? - Ảnh 3
Tổ công tác EPR tại Việt Nam. (Nguồn: IUCN)

EPR được coi là động lực cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn cũng như công nghiệp tái chế tại Việt Nam.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có những điều chỉnh căn bản về chính sách EPR và được quy định trong Điều 54 và Điều 55. Quy định Trách nhiệm Tái chế (Điều 54) sẽ đặt ra tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc cho các ngành hàng, tiếp tục áp dụng với các ngành hàng theo Quyết định số 16/2015 và mở rộng đối với các sản phẩm (i) tấm quang năng và (ii) bao bì. Hội đồng EPR quốc gia với đại diện của các nhà sản xuất, nhà tái chế, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức môi trường và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành liên quan sẽ quyết định tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc. Đối với Trách nhiệm xử lý (Điều 55) sẽ áp dụng với các sản phẩm như (i) bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, sơn, keo; (ii) kẹo cao su; (iii) Thuốc lá điếu; (iv) tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng 1 lần; (v) một số sản phẩm có sử dụng thành phần chất dẻo tổng hợp khó thu gom, tái chế và xử lý.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, trong đó có quy định việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; đồng thời quy định cơ chế quản lý, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Trách nhiệm thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ tại Việt Nam ra sao?

Liên quan đến việc thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ, Việt Nam cũng đã có khung hành lang pháp lý. Đó là Quyết định 16/2015/QĐ-TTg thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư 34/2017/TT-BTNMT quy định thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ.

Các quy định đã có, tuy nhiên hoạt động thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ này chưa được thực hiện triệt để. Mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và đến giờ vẫn có xu thế tăng cao. Chai nhựa, túi nilon trở thành một phần quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam. 

Quyết tâm thực hiện giảm thiểu rác thải và thực hiện cam kết COP 26, trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã bổ sung các quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (Mục 1 - Chương VI). Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. 

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Tương lai nào cho ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới