Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ tư, 23/03/2022 14:55 (GMT+7)

UBTV Quốc hội: Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều loại hình, chủ thể, cần nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cơ sở

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết mục đích xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

UBTV Quốc hội: Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 1
Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; đồng thời cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về tên gọi của dự án Luật, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 thì tên gọi của dự án Luật được xác định là Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ giới hạn tên gọi và phạm vi điều chỉnh ở xã, phường, thị trấn thì chưa bao quát toàn bộ nội dung, chưa phù hợp với các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị.

Tại Đề án Định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng trình Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW đã giao Chính phủ “xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (và thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung).”

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất đề nghị tên của dự án Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.”

UBTV Quốc hội: Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Luật này quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số cơ quan, tổ chức đặc thù); trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 49 điều.

Thông tin về những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ: Dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước...

Tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật; cho rằng việc này sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được đặc biệt nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các đại biểu cũng tán thành với việc đổi tên gọi của dự án Luật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra, nêu rõ Dự thảo Luật không điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại những cơ quan, đơn vị “có tính chất đặc thù” như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân.

Mặc dù mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có chức năng, nhiệm vụ, chế độ làm việc và phương thức hoạt động khác nhau theo quy định Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của mỗi cơ quan (đối với tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội) nhưng trong nội bộ từng cơ quan, tổ chức đều có bộ máy hành chính, đều diễn ra một số hoạt động quản lý hành chính, tài chính-ngân sách, công tác tổ chức cán bộ cần có sự công khai, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện từ các thành viên của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Do đó, dự thảo luật cần quy định các nguyên tắc chung về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, căn cứ vào các nguyên tắc của luật này sẽ quy định cụ thể về việc thực hiện dân chủ cho phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù tại từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Về nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, ông Tùng cho biết Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tham gia thẩm tra cũng có 2 loại ý kiến.

Một số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ là Luật này chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhưng để bảo đảm tương xứng, cân bằng với các loại hình dân chủ ở cơ sở khác, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, trong đó có thể luật hóa một số nội dung về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (doanh nghiệp) hiện được quy định trong nghị định của Chính phủ.

Trong khi đó, đa số ý kiến cho rằng việc xây dựng các quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhằm giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, phát huy quyền làm chủ của dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, tham gia kiểm kê, kiểm soát Nhà nước, khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng.

Do đó, ngoài các quy định đã có của pháp luật về lao động, dự thảo Luật nên tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với doanh nghiệp Nhà nước, là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về nội dung này cũng còn khác nhau. Ngoài các loại ý kiến như đã trình bày trên đây, có ý kiến còn đề nghị không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp vì cơ chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp khác rất nhiều so với dân chủ trong cơ quan Nhà nước hay ở xã, phường, thị trấn; các nội dung này đang được quy định tại pháp luật về lao động, trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp… và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn.

Do đó, nếu quy định trong Luật này mà không đưa ra được những nội dung mới, đặc thù thì sẽ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở thực chất, hiệu quả

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng một số văn bản pháp luật liên quan đến dân chủ cơ sở còn xem nhẹ ý kiến của nhân dân, giải quyết chưa kịp thời các quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ chưa thực sự đi đôi với giữ gìn trật tự kỷ cương; có tình trạng lợi dụng chống đối xuyên tạc, gây mất an ninh trật tự, gây mất đoàn kết chia rẽ nội bộ; còn tình trạng dân chủ hình thức, ý kiến nhân dân chưa thực sự lắng nghe, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quan tâm sâu sắc các vấn đề này để đưa vào Tờ trình để có đủ căn cứ để xây dựng Luật.

UBTV Quốc hội: Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 3
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ đây là dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, rất nhiều loại hình, chủ thể. Do đó, Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Dự án Luật này cần được kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng;” đồng thời, xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, phô trương.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này cần điều chỉnh đầy đủ, toàn diện việc thực hiện dân chủ ở cơ sở bao gồm xã, phường, thị trấn, các cộng đồng dân cư ở tổ, thôn, làng bản, ấp; các tổ chức, cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

Vì vậy, dự án luật cần quy định đầy đủ các mối quan hệ trong từng loại đơn vị cơ sở, nhưng không quy định lại những nội dung đã được các luật chuyên ngành khác quy định. Bên cạnh đó, các chính sách của dự án luật cần làm rõ các yếu tố cơ bản trong quan hệ thực hiện dân chủ ở cơ sở để làm căn cứ cho việc quy định các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm tính chính xác, phù hợp, khả thi.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để xem xét kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế (nếu có).

Bên cạnh đó, Chính phủ cần báo cáo rõ hơn về việc dự thảo Luật giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, vì như vậy sẽ làm giảm tính chi tiết và giá trị pháp lý của các quy định về Thanh tra nhân dân so với pháp luật hiện hành.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần quy định kỹ hơn vai trò của Thanh tra nhân dân và hoạt động của Thanh tra nhân dân vì đây là hình thức, thiết chế cụ thể để thực hành dân chủ ở cơ sở.

“Trước đây vấn đề này đã được quy định tại Luật Thanh tra. Đây được coi là cơ chế thực hành dân chủ ở cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị trấn, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp; do đó cần quy định kỹ hơn tại Luật này để đảm bảo tính pháp lý trong phạm vi thực hành dân chủ,” bà Thanh nhấn mạnh.

Theo TTXVN/Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết UBTV Quốc hội: Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới