UNEP tiếp tục cảnh báo về nhiệt độ trung bình của Trái Đất
UNEP cho biết, Trái Đất sẽ đạt mức tăng nhiệt độ trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ 21 nếu không có thêm cam kết khí hậu nào khác được thực hiện.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs) của các nước cùng các cam kết khí hậu hiện có sẽ chỉ giảm 7,5% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm vào năm 2030, so với cam kết trước đó năm 2015.
Trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015, các quốc gia cam kết nỗ lực để hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp ở mức dưới 2 độ C và tốt nhất là ở 1,5 độ C thông qua các biện pháp cắt giảm khí thải toàn diện và quyết liệt.
Do đó, để đạt mục tiêu hạn chế mức nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ thì cần mức giảm tới 55%, gấp 7 lần so với những cam kết mới nhất này.
Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cho biết: “Nếu thế giới không đạt được mục tiêu trên, thế giới sẽ trở nên mất ổn định và hứng chịu nhiều đau khổ”.
Tính đến ngày 30/9, chỉ 120 quốc gia - chiếm hơn một nửa lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu - cập nhật hoặc đưa ra NDC mới. Báo cáo của UNEP cũng xem xét cả các cam kết về khí hậu chưa được đệ trình của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một phân tích của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) cho biết, theo cam kết hiện tại của các quốc gia, lượng khí thải toàn cầu sẽ cao hơn 16% vào năm 2030 so với năm 2010. Con số này vượt xa mức giảm 45% vào năm 2030 mà các nhà khoa học cho rằng cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và tránh những tác động tàn khốc nhất như các đợt nắng nóng gây chết người và các cơn bão hủy diệt đổ bộ các quốc gia.
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Báo cáo Khoảng cách Phát thải năm 2021 cũng cho thấy Trái Đất thực sự đang hướng đến mức tăng nhiệt độ thảm khốc 2,7 độ C.
Linh Chi (t/h)