Ứng dụng hóa học xanh giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm hóa chất
Cục Hoá Chất - Bộ Công Thương triển khai thực hiện dự án "Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại".
Ảnh minh họa. |
Ô nhiễm hóa chất hiện nay đang là một trong những vấn đề nóng trên toàn cầu. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp mạ điện, sản xuất nhựa, dệt may... đều có khả năng sử dụng các loại hoá chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POPs), hoặc các chất có khả năng tạo thành các POPs (các chất POPs phát sinh không chủ định, còn gọi là U-POP) khiến nguồn nước gần các khu công nghiệp thường có hàm lượng POPs như PFOS (perfluorootane sulfonate) cao...
Trước bài toán lớn được đặt ra khi vừa phải thúc đẩy sản xuất trong nước có sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, vừa phải quản lý việc sử dụng hoá chất và kiểm soát những tác động đến môi trường, Hoá học xanh (HHX) là một trong những giải pháp được khuyến khích sử dụng để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề bằng cách ứng dụng các phương pháp nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng và phát thải các hoá chất nguy hại. HHX đề cao tiết kiệm tài nguyên và tận dụng tối đa nguyên, nhiên liệu tái sinh.
Tại Việt Nam, với sự tài trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đồng tài trợ bởi các tổ chức và doanh nghiệp, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương đang tiến hành thực hiện dự án “Áp dụng Hóa học xanh hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại” (sau đây gọi tắt là Dự án).
Qua giai đoạn tiền khảo sát, đã xác định được 6 ngành nghề được ưu tiên triển khai HHX trong Dự án bao gồm: Mạ điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhựa, dệt nhuộm, hóa chất bảo vệ thực vật, sơn và dung môi. Đây là những ngành có khả năng sử dụng POPs, thủy ngân và những chất có thể phẩn hủy thành POPs trong sản xuất. Trong năm 2020, Dự án sẽ thí điểm mô hình ứng dụng HHX tại Công ty Cổ phần Plato Việt Nam thuộc lĩnh vực mạ điện và Công ty Cổ phần Sơn Nishu thuộc lĩnh vực sơn và dung môi.
2 nhà máy trên sẽ được hỗ trợ các trang thiết bị, nguyên vật liệu cho hoạt động trình diễn HHX từ Dự án, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về các hóa chất đang được sử dụng nhằm xác định chất có thể thay thế các loại dung môi có chứa clo, thay thế cho các chất POPs hay các hoá chất nguy hại đã bị cấm ở một số nước như PFOS (perfluorootane sulfonate), PBDE (poly brominated diphenyl ether) và SCCP (short chain chlorinated paraffin). Đồng thời áp dụng nguyên tắc sử dụng những chất diệt khuẩn, tẩy rửa thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa lượng nước xả thải, và thiết lập hệ thống kiểm soát chất lượng nước tự động.
Dự án đặt mục tiêu giảm thiểu được 15g-TEQ/năm lượng chất U-POPs, 1 tấn các chất POPs, 2kg thủy ngân và ít nhất 65 tấn CO2 trong 6 ngành công nghiệp. Ứng dụng HHX là xu hướng tất yếu đối với công nghiệp hóa chất tại Việt Nam giúp giảm thiểu hóa chất nguy hại vì sức khoẻ cộng đồng và hội nhập quốc tế.
POP (Persistant Organic Polutants) là tên gọi tắt của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, được sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp hoặc có thể vô ý phát thải. Các chất POPs được kiểm soát bởi Công ước Stockholm hay thuỷ ngân được kiểm soát bởi Công ước Minamata đều là những hóa chất bền vững, khó phân huỷ hoặc chuyển hóa rất chậm trong môi trường không khí, đất, nước... Chúng có khả năng tích lũy sinh học trong lưới thức ăn và cơ thể con người, lan truyền và phát tán ra xa khỏi nguồn phát sinh ban đầu, gây ra bệnh tật, phá huỷ môi trường. |
Phan Yến