Chủ nhật, 24/11/2024 06:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/06/2022 09:55 (GMT+7)

Ứng xử với tài nguyên nước nhìn từ dự án do VIASEE thực hiện

Theo dõi KTMT trên

"Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì-Thí điểm tại xóm Dy (Ba Vì, Hà Nội)" do Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam triển khai được đánh giá là phương án hiệu quả giúp thay đổi cách ứng xử với tài nguyên nước.

Thực tế đáng báo động

Việt Nam có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, song ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Xét lượng nước vào mùa khô thì Việt Nam thuộc vào vùng phải đối mặt với thiếu nước, một số khu vực thuộc loại khan hiếm nước. An ninh về nước cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang không được bảo đảm ở nhiều nơi, nhiều vùng ở nước ta.

Tại các vùng nông thôn, nước đóng vai trò không thể thay thế trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, cũng chính hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân đã và đang tác động tiêu cực đến tài nguyên nước. Phần lớn người dân ở vùng nông thôn chưa thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ và gìn giữ tài nguyên nước, do đó cách ứng xử của họ với tài nguyên nước cũng rất thờ ơ và có phần tiêu cực.

Trình độ dân trí thấp, cùng với hoạt động canh tác nông nghiệp lạc hậu khiến cả tầng nước mặt và nước ngầm tại nhiều nơi bị suy thoái và ô nhiễm nặng nề. Cuối cùng, hứng chịu hậu quả sớm nhất và trực tiếp của sự suy thoái và ô nhiễm tài nguyên nước lại chính là người dân. Hệ quả có thể lập tức nhìn thấy đó là tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, môi trường sống bị ảnh hưởng kéo theo hàng loạt hệ lụy liên quan đến sức khỏe con người.

Ứng xử với tài nguyên nước nhìn từ dự án do VIASEE thực hiện - Ảnh 1
Dòng suối chảy qua thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng phân bón bị rửa trôi mang theo dư lượng thuốc khá cao. Bên cạnh đó, nghề chăn nuôi cũng góp phần không nhỏ vào hệ lụy này, mỗi năm Việt Nam có khoảng 84,5 triệu tấn chất thải được thải vào môi trường trong đó có đến 80% không qua xử lý. Mặt khác, làng nghề truyền thống với quy trình sản xuất thủ công, lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, phân tán cũng góp phần lớn nước thải không qua xử lý vào môi trường đã và đang làm cho chất lượng nước ở nông thôn ngày càng xuống cấp.

Tại một số vùng nông thôn, nguồn nước ngầm bị nhiễm vi sinh đã vượt ngưỡng cho phép. Theo báo cáo tại một số địa phương như Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định… nước ngầm đã có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ (N03-, NH4+), kim loại nặng (Fe, As) và đặc biệt ô nhiễm vi sinh (Coliform, E.coli). Đây là mối đe dọa không chỉ đến hoạt động sản xuất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, bởi khu vực này, người dân không chỉ sử dụng nước ngầm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nguồn nước bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dư thừa lượng hóa chất, kim loại nặng nếu không qua xử lý, khi con người sử dụng lâu dài sẽ là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh liên quan đến nước. Trong số những bệnh này, sốt rét là một trong những bệnh phổ biến nhất và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Tiếp đến là các bệnh khác như dịch tả, thương hàn, kiết lị, viêm gan, viêm đa cơ, các bệnh liên quan đến da, hô hấp thậm chí là ung thư.

Trước thực tế trên, việc bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là tại các vùng nông thôn cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc từ nhiều phía. Ngoài các biện pháp khắc phục, cần kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, từ đó thay đổi từ tư duy cho đến thói quen ứng xử với tài nguyên nước của họ.

Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc thay đổi thói quen ứng xử của người dân vùng nông thôn với tài nguyên nước, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã triển khai thí điểm dự án "Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì – Thí điểm tại xóm Dy, xã Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội)".

Ứng xử với tài nguyên nước nhìn từ dự án do VIASEE thực hiện - Ảnh 2
Hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân thôn Dy là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Qua nghiên cứu khái quát, chất lượng nước sông suối khu vực Ba Vì ở độ cao trên 100m nhìn chung đều tốt (trừ hai điểm là hồ Tiên Sa chảy qua mỏ Đồng cốt 265 và suối Cái xã Minh Quang chảy qua mỏ Pirit Minh Quang). Tuy nhiên, chất lượng nước sông suối sau khi ra khỏi VQG chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hoạt động dân sinh nên bị ô nhiễm khá cao. Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thí điểm mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước tại thôn Dy, xã Minh Quang.

Hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho việc sản xuất nông nghiệp của thôn đều phụ thuộc chính từ hai con suối chảy từ VQG Ba vì cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng và từ đây chảy ra theo hệ thống suối thoát nước tới địa phận xã Ba Trại. Chất lượng môi trường nước có sự suy thoái rất lớn giữa đầu nguồn và và cuối nguồn nước thôn Dy.

Các tác nhân tác động đến nguồn nước chảy qua thôn Dy gồm: Chặn dòng lấy nước cho cá nhân hộ gia đình nuôi cá, chăn nuôi dẫn tới giảm lưu lượng nước; Xả nước thải chưa xử lý và rác thải xuống suối gây ô nhiễm dòng chảy; Kè lấn dòng chảy gây cản trở thoát nước về mùa mưa lũ.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, điểm cốt lõi trong việc xây dựng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước tại thôn Dy chính là xây dựng hương ước quy định tất cả các hoạt động của cộng đồng dân cư xóm Dy. Lấy hương ước làm cơ sở cho việc người dân thực hiện các hoạt động không gây ra các tác động tiêu cực đến nguồn nước. 

Hương ước là những quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực; là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên đị bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; là văn bản pháp lý đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng.

Hương ước cũng là một loại văn bản quy phạm, chứa đựng nguyên tắc bắt buộc hoặc cho phép cá nhân, tổ chức được làm hoặc không được làm một việc gì đó trong cuộc sống hàng ngày tại địa phương do cộng đồng dân cư thỏa thuận đặt ra và cùng nhau thực hiện. Trên thực tế, hương ước, quy ước được xây dựng chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ tự quản tại cộng đồng dân cư mà pháp luật không điều chỉnh hoặc chỉ điều chỉnh ở mức độ quy định các nguyên tắc chung. 

Do vậy, hương ước rất gần gũi, dễ hiểu, dễ dàng lan tỏa và nhận được sự ủng hộ của người dân thôn Dy nói riêng và người dân vùng nông thôn nói chung. Xây dựng hương ước quy định tất cả các hoạt động của cộng đồng dân cư xóm Dy sẽ là cơ sở vững chắc cho việc người dân thực hiện các hoạt động không gây ra các tác động tiêu cực đến nguồn nước.

Với những kết quả đã đạt được từ dự án "Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước khu vực VQG Ba Vì – Thí điểm tại xóm Dy, xã Minh Quang", các nhà khoa học thuộc VIASEE hy vọng rằng, mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước sẽ được phát triển rộng khắp tại các vùng nông thôn của Việt Nam. Trên cơ sở đó, thay đổi được cách ứng xử của người dân với tài nguyên nước, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đề ra.

Thôn Dy thuộc xã Minh Quang, nằm phía Đông của dãy núi Ba Vì, cách Đá Chông khoảng hơn 1km. Thôn có 200 hộ dân với khoảng gần 1.000 nhân khẩu sinh sống và trong số đó là 80% số hộ là người dân tộc Mường, số còn lại là người Kinh và người Dao. Dân cư của thôn chủ yếu làm nghề sản xuất nông nghiệp với ba loại cây trồng chính là ngô, lúa, chè và một số vật nuôi truyền thống như lợn, gà mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Ứng xử với tài nguyên nước nhìn từ dự án do VIASEE thực hiện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới