Chủ nhật, 24/11/2024 05:29 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/04/2022 15:00 (GMT+7)

Vấn đề thương mại than quốc tế và đôi nét về than cho điện của Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

TKV cho biết, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, nguồn cung than thế giới khan hiếm, doanh nghiệp trong nước không nhập được đã quay lại sử dụng than trong nước, khiến cho nhu cầu tăng rất cao.

Chuỗi cung ứng than đang lụi tàn? (The death of the coal supply chain?) - Đó là tiêu đề bài viết của Tạp chí điện tử Công nghệ điện tương lai (FPT) Anh. FPT dự báo về triển vọng của than trong bối cảnh thị trường “nhân tạo” đang ấm lên, nhất là khi khủng hoảng năng lượng và đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt thì chiến sự tại Ukraine lại bùng phát.

Số phận than trong khi COP26 chưa rõ ràng

Tại COP26 không đạt được sự rõ ràng về mặt pháp lý, chưa tìm được tiếng nói chung về than, nhưng theo giới bình luận, trong các hội nghị tương lai chắc chắn sẽ làm được điều này. Khi phong trào loại bỏ than trong trung hạn ngày càng tăng, thì sự phân chia địa lý của nhiên liệu cũng giảm mạnh. Hầu hết việc bài than đều có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và châu Âu, trong khi đó việc bài than ở các nền kinh tế châu Á và châu Đại Dương lại ít mặn mà hơn.

Sự mất cân bằng này khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về sự tồn tại của than. Vài năm trở lại đây, thị trường vốn không mấy nổi bật này bắt đầu có những biến đổi mạnh, ngày nay thị trường than đã khác xa so với năm 2019. Nếu hầu hết các loại hàng hóa, sự gián đoạn ngắn dịch vụ là bình thường nhưng với than, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất sự gián đoạn lại diễn ra theo một mô hình rất đặc biệt.

Theo Tạp chí Năng lượng Anh Energy Monitor: Hành động đối phó trước sự nóng lên toàn cầu đã lập tức thay đổi triển vọng của than. Việc ấn định ngày kết thúc sản xuất than trong nước hiện đang mang tính chính trị quốc tế. “Không phải tất cả các quá trình sản xuất, sử dụng than đều mang tính cấp bách hoặc triệt để như nhau nhưng hướng đi loại bỏ than là đã rõ ràng” - Energy Monitor nhấn mạnh. Ở châu Âu, hầu hết các quốc gia đều có cơ sở sản xuất điện than nhỏ nhưng đã và đang được loại bỏ dần. Sự phụ thuộc quá lớn vào than đã khiến Đức và Ba Lan ủng hộ nhiên liệu lớn nhất này của châu Âu, song giờ đây, hai quốc gia này đã thiết lập thời gian biểu để chấm dứt việc dùng than.

Đức hiện có kế hoạch kết thúc sản xuất điện than vào năm 2030, trước thời hạn so với kế hoạch đề ra là năm 2038. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhập khẩu than của Đức đã giảm gần một nửa kể từ năm 2016. Ba Lan hiện sản xuất 96% lượng than của EU, số còn lại là do Séc đảm nhận. Ba Lan đã tham gia ký thỏa thuận COP26 để loại bỏ dần than. Gần một nửa lượng than xuất khẩu của Ba Lan đến Séc, dự kiến sản xuất than của Ban Lan sẽ kết thúc vào năm 2033.

Những thay đổi nói trên hầu như loại bỏ vai trò của châu Âu trong chuỗi cung ứng than. Từ năm 2000 đến năm 2020, sản lượng than của EU đã giảm từ 169 triệu tấn xuống còn 56,5 triệu tấn. Sự giảm hai phần ba này gần như được phản ánh bởi sự sụt giảm trong việc cung ứng than cho các nhà máy điện, giảm khoảng một nửa trong cùng thời gian.

Theo trang web Đài quan sát tính phức tạp kinh tế (Observatory for Economic Complexity hay OEC): Mỹ vẫn là một thành trì tương đối “vững chắc” về than, xuất khẩu khoảng 11,5 tỷ USD than năm 2019. Con số này gấp đôi lượng nhập khẩu than ròng của Đức vào năm 2020. Mỹ vẫn chưa ấn định ngày kết thúc cụ thể cho việc sử dụng than đá, vì nhiều lý do, trong đó có lý do chính trị. Ấn Độ và Nhật Bản nhập khẩu than Mỹ nhiều nhất, lần lượt là 16% và 13%, nhưng nhìn chung, lượng nhập khẩu này chỉ đóng một vai trò nhỏ trong cuộc hỗn chiến thương mại ở Đông và Đông Nam Á.

Tranh chấp thương mại tác động lớn tới thị trường than

Ngoài kinh tế thương mại, chính trị đã làm thay đổi thương mại giữa nhà xuất khẩu và tiêu thụ than lớn nhất hành tinh. Tranh chấp giữa Australia và Trung Quốc là một ví dụ. Nó khởi nguồn từ năm 2019, khi Trung Quốc thông báo trì hoãn các chuyến hàng than của Australia. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hãng tin Anh Reuters hay, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế để “bảo vệ tốt hơn các quyền hợp pháp của các nhà nhập khẩu Trung Quốc nhằm bảo vệ môi trường”.

Vào thời điểm đó, phía Australia đã chấp nhận sự trì hoãn và quan hệ vẫn thân thiện. Nhưng, mọi thứ không diễn ra như dự định do đại dịch Covid-19 xuất hiện, nó đã “định hình” mọi thứ. Đến đầu năm 2021, chính phủ Australia đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus, lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Đáp trả, phía Trung Quốc chặn nhập khẩu một số sản phẩm của Australia, bao gồm lúa mạch, đồng và than.

Bất kể lý do gì đứng đằng sau tranh chấp thương mại này, thì hậu quả, chỉ riêng năm 2019, ước tính nó đã chặn đứng 9,36 tỷ USD thương mại than. Theo OEC, gần một nửa lượng than nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2019 đến từ Australia. Mối quan hệ này đã kết thúc chỉ sau một đêm và vẫn chưa kết thúc vào thời điểm bài viết này lên trang (3/2022). Theo tạp chí Mining Technology, với sự gián đoạn do đại dịch, và so sánh số liệu thống kê thương mại năm 2020 và 2021 cho thấy, hậu quả hữu hình của tranh chấp thương mại không hề nhỏ, và trở nên rõ ràng vào cuối năm 2021, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và chiến sự bùng phát mạnh trong thời gian gần đây.

Trung Quốc quay sang Ấn Độ để thế chân Australia?

Vào tháng 9/2021, hầu hết lãnh thổ Trung Quốc rơi vào tình trạng mất điện có quản lý, ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp và thương mại. Tại một số nơi, các tỉnh trưởng khu vực đã tổ chức điều hành những đợt mất điện kiểu này như là cách để giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống dưới mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, giá than quốc tế tăng và sự phụ thuộc của đất nước vào sản xuất nhiệt điện than đã khiến Trung Quốc phải tính lại nước cờ của mình.

Để khắc phục, Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc khai thác than trong kế hoạch sản xuất trong nước. Các mỏ than của Trung Quốc đã tăng cường khai thác khiến giá than trong nước tăng vọt tới 314 USD/tấn (1.800 NDT hay 7,182 triệu VND). Mức đỉnh này và giá trong những tháng tiếp theo vẫn cao chót vót, cao hơn cả giá than quốc tế.

Lệnh cấm vận của Trung Quốc đối với Australia khiến nước này trở nên đói than hơn, đẩy giá quốc tế tăng cao. Nước láng giềng Ấn Độ tăng cường sản xuất để đáp ứng thị trường, nhưng Ấn Độ cũng gặp khó khăn về than không kém gì Trung Quốc vào thời điểm đó. Tình trạng thiếu hụt tương tự vào tháng 10/2021, gần 80% các nhà máy than của Ấn Độ chỉ còn ít hơn 5 ngày dự trữ. Tình trạng mất điện kéo dài hàng giờ đồng hồ và 13 nhà máy đốt than đã tạm dừng phát điện hoàn toàn để bảo đảm tồn kho cho các nhà máy khác khác.

Trong trường hợp này, gió mùa đến khiến các mỏ phải đóng cửa làm cho việc sản xuất than gặp khó khăn, ảnh hưởng đến các kho dự trữ của các công ty năng lượng. Nhưng sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghiệp than trong nước của Ấn Độ đã làm cho quốc gia này không quá khó khăn như Trung Quốc. Ấn Độ đã xác định vị trí để tận dụng tối đa lợi thế tiếp tục sản xuất than trong nước, và đầu tư nhiều hơn vào than.

Sản xuất than sẽ đi về đâu?

Australia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Vào tháng 10/2021, chính phủ nước này đã đề ra kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Quyết tâm này có được là nhờ một liên minh các chính trị gia cấp tiến vì khí hậu, nhưng cũng có thể dễ bị đánh bại trong kỳ bầu cử sắp tới.

Trong khi điều này vẫn chưa chắc chắn, thì hoạt động thăm dò than của Australia vẫn tương đối nhất quán trong suốt thập kỷ qua. Theo Tổng Cục Thống kê Australia, hoạt động khai thác than hiện tại cao hơn khoảng 50% so với mức thấp của năm 2016 và 2017. Mặc dù các chính phủ trong tương lai có thể tìm cách giảm than, nhưng xem ra, Australia vẫn theo đuổi ‘chủ nghĩa dân tộc về tài nguyên’ khiến việc cắt đứt quan hệ với than đang trở nên khó khăn. Các công ty nhỏ lẻ đã bán các mỏ than và thoái vốn khỏi nhiên liệu này, còn những công ty khác thì dường như sẵn sàng chấp nhận thách thức về than.

Mọi người đang cố hết sức làm khi nguồn cung gần cạn, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều tăng cường sản xuất than trong nước. Tuy nhiên, các sản phẩm làm ra có thể vẫn còn trong nội địa, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bảo vệ triệt để việc sử dụng than theo yêu cầu COP26 nhưng họ vẫn còn có các cơ sở sản xuất điện than khổng lồ. Đặc biệt là ở Trung Quốc, nhiều tài sản trong số này là tài sản mắc kẹt, không thể sinh lợi khi sử dụng.

Khi các chuỗi cung ứng than quốc tế trở nên không còn đáng tin cậy, các chính phủ đã cho vay hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước. Tại một số quốc gia, đã xuất hiện làn sóng chủ nghĩa dân tộc về tài nguyên, nhằm gắn kết tài nguyên với bản sắc dân tộc. Nhưng Covid-19 xuất hiện, “định hình” lại mọi thứ hợp lý hơn, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và duy trì hoạt động sản xuất tại địa phương. Cuối cùng, đại dịch không chỉ gây thiệt hại cho thương mại quốc tế trong ngắn hạn, mà còn làm giảm niềm tin đối với quan hệ thương mại quốc tế trong tương lai.

Tính bền vững đã làm gián đoạn hoạt động buôn bán than vĩnh viễn. Vận tải biển quốc tế cũng có thành tích về môi trường, và phong trào cải cách quy chế đã bắt đầu xuất hiện. Tương tự, cuộc thảo luận về biên giới carbon ở EU đã đưa thuế quan thương mại trở thành động lực cho sự bền vững. Cả hai điều này sẽ đồng nghĩa làm tăng sự gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, củng cố kinh doanh để giảm thiểu thương mại và giữ chân than trong nước. Các quốc gia như Ấn Độ và Australia sẽ coi điều này là không tưởng, nhưng đó là kết quả hợp lý của các chính sách mà họ đề ra. Ngay cả khi việc sản xuất nhiệt điện than tiếp tục diễn ra sau năm 2050, nhưng thương mại than quốc tế sẽ không còn tồn tại.

Đôi nét sản xuất và cung ứng than tại Việt Nam

Việc nhập khẩu than khó khăn do nguồn cung khan hiếm và giá tăng cao so với mức giá các bên đã thỏa thuận khiến cho việc cung ứng than cho điện gặp khó. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình sản xuất, kinh doanh than và cung ứng than cho điện. TKV cho biết trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, nguồn cung than thế giới khan hiếm, doanh nghiệp trong nước không nhập được đã quay lại sử dụng than trong nước, khiến cho nhu cầu tăng rất cao. Thực tế này dẫn tới tình trạng khan hiếm than dù sản lượng sản xuất không giảm.

Theo kế hoạch, sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện năm 2022 là 35 triệu tấn. Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng việc cung cấp phụ thuộc nhiều nhập khẩu. Ba tháng đầu năm, TKV mới nhập được 325.000 tấn, nên sản lượng cấp được trong quý 1/2022 chỉ đạt khoảng 1,1 triệu tấn, giảm 2,4 triệu tấn so với kế hoạch.

Mặc dù có nhiều giải pháp như huy động tồn kho, pha trộn than trong nước, nhưng vẫn không bù đắp được lượng than bị thiếu. Than tồn hầu hết là than vùng Mạo Khê, Uông Bí, là các loại than không tiêu thụ trực tiếp được cho các nhà máy nhiệt điện, mà phải pha trộn với than nhập khẩu, hoặc các nguồn than trong nước khác.

Một lý do nữa được TKV nêu ra khiến cho nhập khẩu khó khăn là do đến ngày 2/3/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn, khiến cho TKV bị bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu. Đến khi giá được chấp thuận, việc tìm nguồn nhập lại khó khăn, và không có than đảm bảo chất lượng, cộng thêm giá tăng đột biến, cao hơn giá đề xuất, nên dù đã mở thầu cũng khó có thể trúng thầu.

Từ thực tế trên, TKV cho rằng: Có thể nhập khẩu không đạt kế hoạch năm 2022 nên đã chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng than khai thác tối đa có thể, khoảng 4,1 triệu tấn. Gắn với tăng chế biến than, pha trộn đảm bảo cung cấp tối đa cho các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch, không để thiếu than. Với việc tăng các chi phí đầu vào như nguyên liệu, sắt thép, tiền lương... TKV đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng giá bán than trong nước, nhất là giá bán than cho các hộ điện, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Về kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022, TKV đặt mục tiêu sản xuất than theo kế hoạch pháp lệnh là 39,1 triệu tấn và theo kế hoạch điều hành là 41 triệu tấn; tiêu thụ từ 43 - 45 triệu tấn than; sản xuất điện 10 tỷ kWh. Tổng doanh thu từ 135.000 - 138.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước từ 19.500 - 20.300 tỷ đồng./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THEO: PNC/TVN - 3/2022)

Link tham khảo:

1/https://power.nridigital.com/future_power_technology_mar22/coal_supply_chain

2/https://tuoitre.vn/lo-khong-du-than-cap-cho-dien-do-nhap-khau-kho-khan-tkv-muon-tang-gia-ban-20220323122306748.htm

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Vấn đề thương mại than quốc tế và đôi nét về than cho điện của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới