Chủ nhật, 24/11/2024 07:26 (GMT+7)
Thứ tư, 12/01/2022 11:00 (GMT+7)

Vì Con người và Thiên nhiên: Hãy Yêu quý, Bảo vệ và Phục hồi Đất ngập nước

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, tăng cường quản lý, phục hồi đất ngập nước và các hoạt động thể hiện tình yêu đối với các vùng đất ngập nước.

Việt Nam nỗ lực bảo vệ vùng đất ngập nước

Để hưởng ứng đề nghị của Ban thư ký Công ước Ramsar và lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về huy động sự tham gia của toàn xã hội trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, ngày 10/01/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, tăng cường quản lý, phục hồi đất ngập nước và các hoạt động thể hiện tình yêu đối với các vùng đất ngập nước.

Tiến hành các hoạt động truyền thông phù hợp, tổ chức lễ kỷ niệm, các cuộc thi, triển lãm hoặc phát động các phong trào gắn với chủ đề Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2022 phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay và công tác phòng chống dịch Covid-19.

Vì Con người và Thiên nhiên: Hãy Yêu quý, Bảo vệ và Phục hồi Đất ngập nước - Ảnh 1
Việt Nam nỗ lực bảo vệ vùng đất ngập nước. (Ảnh minh họa)

Tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị đất ngập nước, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của Bộ, ngành và địa phương.

Đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng đất ngập nước để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.
Các tài liệu về chủ đề Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2022, các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới trong năm 2022 của các địa phương được đăng ký và đăng tải tại trang thông tin điện tử của Công ước Ramsar: https://www.worldwetlandsday.org.

Sau khi hoàn thành các hoạt động tổ chức hưởng ứng kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2022, Bộ TN&MT đề nghị các đơn vị gửi thông tin kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và báo cáo Ban thư ký Công ước Ramsar.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của các vùng ĐNN đối với việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn, khai thác, sử dụng các vùng ĐNN.

Năm 1989, ưu tiên này được thể hiện bằng hành động cụ thể khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Khu vực Đông Nam Á, thứ 50 trên thế giới gia nhập Công ước về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế - Công ước Ramsar.

Sau khi trở thành thành viên của Công ước Ramsar, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Công ước quy định. Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành hơn 10 văn bản có những quy định trực tiếp về ĐNN. Trong đó, Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 (được thay thế bằng Nghị đinh 66/2019/NĐ-CP, ngày 29/7/2019) của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN là văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp đến bảo tồn, sử dụng bền vững ĐNN để thực thi Công ước Ramsar. 

Bên cạnh đó, Luật Đa dạng sinh học 2008 được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa vào nội dung về vùng ĐNN quan trọng và dịch vụ hệ sinh thái ĐNN phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản. Trong các yếu tố nhạy cảm về môi trường để phân loại dự án đầu tư có bao gồm các vùng ĐNN quan trọng…

Việt Nam cũng sẽ nỗ lực phục hồi ít nhất 10% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu suy thoái, thành lập được 5 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công 3 khu Ramsar, triển khai các mô hình công-tư, mô hình kết hợp sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý, sử dụng khôn khéo tài nguyên và dịch vụ hệ sinh thái các vùng đất ngập nước quan trọng.

Cùng với đó là nâng cao nhận thức, sự tham gia, ủng hộ của xã hội về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc. Mạng lưới các khu Ramsar được mở rộng và vận hành hoạt động có hiệu quả.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đảm bảo tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo cùng với việc phục hồi 25% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng, thành lập ít nhất 10 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công ít nhất 5 khu Ramsar trên toàn quốc.

Đa dạng sinh học của các vùng đất ngập nước ở Việt Nam

Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại, lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu, giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan, lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán, đảm bảo đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật, đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân.

Vì Con người và Thiên nhiên: Hãy Yêu quý, Bảo vệ và Phục hồi Đất ngập nước - Ảnh 2
Đa dạng sinh học của các vùng đất ngập nước ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Hiện nay vùng đất ngập nước cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới, hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước, có tới 40% các loài sinh vật sống hoặc dựa vào những vùng đất ngập nước.

Hiện Việt Nam có 9 khu Ramsar là Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Vùng đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn Quốc gia Cát Tiên, Hồ Ba Bể, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Vườn Quốc gia Côn Đảo, Khu Ramsar Láng Sen, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

Tại Việt Nam, tổng diện tích ĐNN khoảng 12 triệu ha, được phân bố ở mọi vùng sinh thái của đất nước với sự đa dạng về các kiểu loại và phong phú về đa dạng sinh học (ĐDSH). Ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái (HST) nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở HST ĐNN biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú.

Vùng ĐNN là vùng đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng ngập nước thường xuyên hoặc ngập nước tạm thời theo mùa, kể cả các vùng ven biển, ven đảo có độ sâu không quá 06 mét khi ngấn nước thủy triều thấp nhất. Vùng ĐNN có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường nhờ các chức năng: Nạp, tiết nước ngầm, Lắng đọng trầm tích, độc tố, tích lũy chất dinh dưỡng, Hạn chế lũ lụt, duy trì đa dạng sinh học, Chắn sóng, gió bão và ổn định bờ biển, chống xói lở, hạn chế sóng thần,… 

Các vùng ĐNN cũng là nơi sản xuất cung cấp phần lớn lương thực, thực phẩm cho con người. Hơn 3,5 tỉ người trên thế giới được nuôi sống nhờ nguồn gạo được sản xuất từ các vùng ĐNN. ĐNN còn có vai trò rất quan trọng đối với đa dạng sinh học, 40% số loài trên thế giới sống ở vùng ĐNN.

Ở nước ta, khu vực châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Cửu Long ở phía Nam là hai cái nôi cung cấp phần lớn thóc, gạo, cá, tôm và các loại lương thực, thực phẩm khác cho cả nước. Hiện nay,  hơn 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ việc nuôi trồng, đánh bắt trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng  ĐNN là một trong những mục tiêu ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta.

Theo Ban thư ký Công ước Ramsar, ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2022 là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt, vì ngày 30 tháng 8 năm 2021, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 02 tháng 02 hàng năm là Ngày Đất ngập nước Thế giới, mở đầu cho tầm nhìn toàn cầu lớn hơn cho các vùng đất ngập nước.
Ban thư ký Công ước Ramsar đã mời tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc tham gia tổ chức hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới vào ngày 02 tháng 02 năm 2022 với chủ đề “Vì Con người và Thiên nhiên: hãy Yêu quý, Bảo vệ và Phục hồi Đất ngập nước" (“Wetlands Action for People and Nature: Value, Manage, Restore, and Love - Wetlands") nhằm kêu gọi sự tăng cường nỗ lực và đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng đất ngập nước và đây là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì Con người và Thiên nhiên: Hãy Yêu quý, Bảo vệ và Phục hồi Đất ngập nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới