Chủ nhật, 24/11/2024 04:30 (GMT+7)
Thứ tư, 20/12/2023 11:50 (GMT+7)

Vì sao cần cơ chế đặc thù cho điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII?

Theo dõi KTMT trên

Trước bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, phát triển điện khí, điện gió là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên để thực hiện theo đúng Quy hoạch điện VIII, còn nhiều khó khăn tháo gỡ.

Nhiều khó khăn còn tồn tại 

Tại cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.  

Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung. 

Vì sao cần cơ chế đặc thù cho điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII? - Ảnh 1
Toàn cảnh cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII. 

Đồng thời việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hòa các-bon đến năm 2050, bởi các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đang gặp khó khăn vướng mắc cần các giải pháp kịp thời. 4 vướng mắc chính bao gồm các quy định về khảo sát, điều tra, đo đạc trên biển để lập dự án; Chưa có quy hoạch không gian biển quốc gia; Chưa có quy định rõ về vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế giá mua bán điện, bao tiêu sản lượng điện. 

Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án điện khí

Góp ý tại cuộc họp, chuyên gia Bùi Xuân Hồi cho biết với bất kỳ nguồn điện nào, cần giải quyết vấn đề cơ chế giá là quan trọng. Khi thống nhất được cơ chế giá sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai dự án. Ví dụ với điện khí, ngoài khơi cần có cam kết về sản lượng hoặc có thể không đưa các nhà máy điện khí vào thị trường điện cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định, những vấn đề cấp bách cần sớm có văn bản, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để làm cơ sở triển khai sớm, như vậy mới đạt được mục tiêu đề ra.

Vì sao cần cơ chế đặc thù cho điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII? - Ảnh 2
Cần cơ chế đặc thù cho điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII. 

Nhìn chung các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất nhận định các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần chuyển dịch năng lượng để thực hiện mục tiêu trung hoà cacbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Trên cơ sở đó, hội nghị thống nhất cần sớm báo cáo, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét để có Nghị quyết, chủ trương về cơ chế, chính sách đối với các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi. 

Để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện khí (khí khai thác trong nước và LNG) và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hoạt động cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty khí Việt Nam, Tổng công ty điện lực Dầu khí khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các dự án cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trước ngày 20 tháng 12 năm 2023. 

Giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về các cơ chế chính sách đặc thù trong triển khai thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.

Tại “Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam”, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường bày tỏ  Chính phủ báo cáo chi tiết lộ trình, kế hoạch, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân tổ chức trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII. Vì đây là vấn đền rất lớn, liên quan đến năng lượng, môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới cam kết thực thi Net Zero của Việt Nam tại COP26.

Cuối cùng, PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ hy vọng rằng, Quy hoạch điện VIII sẽ thực hiện được. “Phải cố gắng thực hiện được Quy hoạch điện VIII. Vì đây chính là mong ước của người dân”, bà An nói.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cần cơ chế đặc thù cho điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới