Chủ nhật, 24/11/2024 06:58 (GMT+7)
Thứ hai, 18/12/2023 14:50 (GMT+7)

Vì sao loạt "ông lớn" ngân hàng hạ lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử?

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, lần đầu tiên cả 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng về dưới 3%/năm.

Nhiều ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất

Ngân hàng BIDV hôm nay công bố biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến mới với mức giảm cao nhất lên tới 0,4%/năm. Theo đó, kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,4%/năm còn 2,7%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm 0,3%/năm còn 3,1%/năm; 6 - 11 tháng còn 4,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 - 18 tháng là 5%/năm.

Trước đó, ngân hàng BIDV 2 lần điều chỉnh lãi suất vào ngày 11/12 và 12/12.

Tương tự, tại Agribank, lãi suất tiết kiệm trực tuyến giảm đến 0,5%/năm. Đây cũng là lần hiếm hoi nhà băng này mạnh tay điều chỉnh lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tại nhà băng này ở kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,5%/năm về mức 2,7%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,3%/năm còn 3,3%/năm. Kỳ hạn 6-11 tháng còn 4,2%/năm, 12-18 tháng giảm 0,3%/năm còn 5%/năm.

Vì sao loạt "ông lớn" ngân hàng hạ lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử? - Ảnh 1
Ngân hàng hạ lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử.

Trong khi đó, VietinBank mạnh tay nhất, khi giảm lãi suất tiết kiệm lên tới 0,6%/năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, lãi suất ngân hàng chỉ còn 2,6%/năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng và 3%/năm đối với kỳ hạn 3-5 tháng. Đối với kỳ hạn 6-11 tháng, mức giảm là 0,5%/năm xuống chỉ còn 4%/năm, 12-18 tháng giảm 0,3%/năm xuống còn 5%/năm. Kỳ hạn từ 24 tháng trở lên giữ nguyên 5,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhà băng này.

Sau đợt điều chỉnh của 3 ngân hàng này, hiện lãi suất tiết kiệm ngân hàng Vietcombank thấp nhất nhóm Big4 và thị trường. Kỳ hạn 1-2 tháng tại Vietcombank là 2,2%/năm, 3-5 tháng là 2,5%/năm, 6-11 tháng là 3,5%/năm, 12-18 tháng là 4,8%/năm.

Kể từ đầu tháng 12 đến nay, 14 ngân hàng giảm lãi suất huy động là HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank, ABBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank.

Tháng trước, vẫn còn một vài đơn vị sẵn sàng trả lãi suất từ 6% trở lên cho khoản tiền gửi 12 tháng. Còn hiện tại, người gửi tiền muốn hưởng mức lãi suất 6% một năm phải gửi kỳ hạn dài hơn, từ 15 tháng hoặc thậm chí 24 tháng trở lên.

Có hơn 10 nhà băng trả lãi suất 6-6,3% cho khoản tiền gửi kỳ hạn dài trên 15 tháng, thậm chí 24 tháng, gồm HDBank, MB, SHB, MSB, VietBank, NCB, Kienlongbank, OCB, VietABank, NamABank, NCB, BaoVietBank, TPBank, PVComBank.

Nhu cầu vay của doanh nghiệp xuống thấp

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ThS. Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT - cho biết, lãi suất huy động giảm sâu phản ánh tình trạng câu chuyện tăng trưởng tín dụng đang trong vùng thấp. "Người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu vay vốn. Các doanh nghiệp vay để làm gì khi nhu cầu tiêu dùng trong nước xuống thấp, sản xuất nhưng không có nhiều đơn hàng đầu ra?", ông Huấn nêu.

Cũng theo ông, trước nhiều diễn biến phức tạp từ thị trường trong hơn 2 năm qua, các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, bắt đầu "thấm đòn" từ quý II năm nay. Khách hàng của công ty ông gồm nhiều đơn vị là chủ doanh nghiệp bao bì, hóa chất, dịch vụ, xuất khẩu… ghi nhận doanh số giảm trên 70%.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế đánh giá: "Lãi suất huy động hiện giảm kịch sàn rồi nên khó có thể kỳ vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thêm. Hơn nữa, lạm phát năm nay được dự đoán trong khoảng 3,3%-3,5%, nên lãi suất huy động cũng phải neo ở mức tương xứng để đảm bảo mức lãi suất thực dương, thỏa mãn yêu cầu của người gửi tiền".

Theo các chuyên gia, một cách đơn giản nhất có thể hiểu lãi suất thực dương là mức lãi suất đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực ở một mức độ nào đó. Nói khác đi, lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát.

Việt Nam nhiều năm nay duy trì chính sách lãi suất thực dương và kiểm soát lạm phát và giữ giá trị đồng tiền, không thực hiện nới lỏng thái quá.

Chính sách lãi suất thực dương sẽ làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm so với đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản…, qua đó giúp tăng nguồn vốn huy động của các ngân hàng để phân phối vốn đến các lĩnh vực có nhu cầu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách hài hoà và cân bằng hơn. Đồng thời, chính sách lãi suất thực dương cũng khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn và do đó làm tăng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Vì sao loạt "ông lớn" ngân hàng hạ lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới