Vì sao nhà máy xử lý rác gần 800 tỉ đồng xây xong vẫn "án binh bất động"?
Dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh (Hà Nội) trị giá gần 800 tỉ đồng dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 4/2017 với công suất xử lý 500 tấn rác thải/ngày, nhưng chưa thể hoạt động.
Theo tìm hiểu của Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh (Hà Nội) được khởi công xây dựng trên địa bàn xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội) vào năm 2011, với tổng mức đầu tư 768,4 tỉ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần đầu tư Thành Quang (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội) làm chủ đầu tư. Theo dự kiến nhà máy sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 4/2017.
Theo công bố của chủ đầu tư, nhà máy rác nhiệt phân plasma Đông Anh có công suất thiết kế xử lý 500 tấn rác mỗi ngày đêm; loại rác thải xử lý là rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải công nghiệp và các loại rác thải đặc thù khác. Tại thời điểm triển khai cũng như hiện tại, nhà máy được kỳ vọng sẽ xử lý được rác thải công nghiệp, y tế và khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày ở huyện Đông Anh, qua đó giảm tải áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt tại Thủ đô. Nhưng sau 3 lần điều chỉnh tiến độ, đến nay nhà máy vẫn bị bỏ hoang sau nhiều năm khởi công, chưa thể hoạt động như dự kiến.
Trong khi đó, theo văn bản báo cáo của UBND huyện Đông Anh gửi UBND TP.Hà Nội, tại thời điểm cuối tháng 9/2020, Nhà máy xử lý rác nhiệt phân Plasma Đông Anh đã được chủ đầu tư (Công ty CP Đầu tư Thành Quang) hoàn thành xây dựng một số hạng mục theo quy hoạch tổng thể như hệ thống sơ tuyển rác; hệ thống ủ rác, sấy rác; lò đốt plasma; hệ thống xử lý khói thải; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống thu gom và xử lý mùi; hệ thống điều khiển…
Các hạng mục chưa thi gồm: Nhà sản xuất gạch block; nhà điều hàng sản xuất; san bãi tập kết xỉ than; nhà trưng bày và bán sản phẩm; nhà làm việc trụ sở công ty…
Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để xảy ra một số vi phạm về trật tự xây dựng. Những vi phạm này đã được UBND huyện Đông Anh và đoàn thanh tra liên ngành gồm các sở: KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT, KH&CN, Tài Chính chỉ ra.
Cụ thể, tại Văn bản 3488/KH&ĐT-NNS ngày 8/7/2020 của Sở KH&ĐT có ý kiến về hồ sơ điều chỉnh Chủ trương đầu tư tại dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh, trong đó yêu cầu Công ty CP Đầu tư Thành Quang bổ sung báo cáo về việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại dự án, kèm theo tài liệu về việc xem xét, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tuân thủ các chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội tại các văn bản số 4710/UBND-ĐT ngày 23/10/2019; số 5657/UBND-ĐT ngày 20/12/2019. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện các nội dung yêu cầu.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, trong quá trình làm việc với huyện, chủ đầu tư giải thích lý do chậm trễ là "thiếu đội ngũ vận hành".
Theo ông Dũng, để nhà máy sớm đi vào hoạt động, huyện Đông Anh đã tích cực thực hiện các thủ tục liên quan và đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tuy nhiên "tới lúc bàn giao mặt bằng xong dự án lại không thực hiện, bỏ hoang hóa một diện tích đất lớn trong khi đó rác vẫn ùn ứ, gây dư luận không tốt", ông Dũng nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cho biết, xã không nắm được thời điểm nhà máy sẽ đi vào vận hành và cũng chưa thấy "dấu hiệu sẽ hoạt động" trong thời gian ngắn tới đây.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang thông tin, nhà máy đã hoàn thiện 90%. Theo ông, thời gian qua ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến các chuyên gia người nước ngoài không thể đến triển khai dự án; ngoài ra đơn vị đang trong thời gian xin điều chỉnh giấy phép bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại.
"Với dây chuyền hiện tại của nhà máy thì phải đốt rác công nghiệp mới có lãi, còn chỉ đốt rác sinh hoạt sẽ lỗ. Hiện nhà máy không vướng gì ngoài việc chờ điều chỉnh quy hoạch", ông Quang nói.
Đề xuất xin điều chỉnh hoạt động của chủ đầu tư đang được Bộ Xây dựng xem xét. Trong khi đó, huyện Đông Anh và những người dân trong khu vực lại không muốn nhà đầu tư bổ sung thêm chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại và chất thải công nghiệp. Trong khi đó vấn đề lớn nhất Hà Nội là xử lý rác thải sinh hoạt không phải là rác thải y tế, công nghiệp.
Theo lý giải của các chuyên gia, hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có gần chục đơn vị được cấp phép chuyên xử lý rác thải y tế, công nghiệp. Mặc dù chưa hoạt động hết công suất nhưng những đơn vị này đã đáp ứng được nhu cầu ở Hà Nội. Do đó, việc bổ sung thêm đơn vị xử lý rác thải y tế, công nghiệp tại thời điểm này là chưa cần thiết.
Cũng theo ý kiến của chuyên gia chuyên nghiên cứu về công nghệ plasma trong xử lý rác thải cho rằng "sẽ phải mất nhiều thời gian nữa nhà máy đốt rác tại huyện Đông Anh mới có thể đi vào hoạt động". Do Việt Nam chưa phân loại rác ngay từ đầu, do đó rất khó để đốt rác theo công nghệ plasma, "nhiều người nghĩ công nghệ này sẽ đốt được cùng lúc mọi loại rác nhưng không dễ dàng như vậy".
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Hà Nam