Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ bảy, 12/02/2022 09:31 (GMT+7)

Vì sao tỉnh Sóc Trăng đề xuất làm chủ đầu tư đoạn cao tốc 56 km?

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa gửi kiến nghị đến Bộ GTVT về việc đầu tư dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua tỉnh này.

Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu ký. Theo đó, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng dài hơn 56 km. Bộ GTVT đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư.

Nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư cảng nước sâu Trần Đề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận giao UBND tỉnh làm chủ đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh.

Vì sao tỉnh Sóc Trăng đề xuất làm chủ đầu tư đoạn cao tốc 56 km? - Ảnh 1
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (màu xanh đậm) trong tổng thể quy hoạch giao thông miền Tây. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. 

UBND tỉnh cam kết triển khai dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành dự án.

Trước đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 44.300 tỷ đồng, dự kiến được đầu tư công trong giai đoạn 2023-2025.

Tuyến cao tốc này dài 188 km, bắt đầu từ tỉnh biên giới An Giang, đi qua thủ phủ của miền Tây là TP Cần Thơ, qua Hậu Giang và kết thúc ở cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng). Trong đó, đoạn đi qua An Giang dài 56,74 km, Cần Thơ 37,77 km, Hậu Giang 37,02 km và Sóc Trăng 56,67 km.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được quy hoạch là tuyến giao thông trục ngang, kết nối các tỉnh phía tây và phía đông của Đồng bằng sông Cửu Long. Cao tốc này không chỉ là tuyến giao thông liên tỉnh mà còn là trục đường phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trao đổi với PV về vấn đề này, TS Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Giao thông được coi như là mạch máu của nền kinh tế. Nó quyết định khá nhiều đến sự thông thương của các tỉnh, các vùng.  Chính vì vậy, việc xây dựng cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là vô cùng cần thiết và bức thiết trong thời điểm hiện nay”.

Theo TS Trần Khắc Tâm, việc Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu ký văn bản kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận giao UBND tỉnh làm chủ đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh dài 53 km là rất hợp lý. Bởi tuyến cao tốc này còn liên quan đến việc kêu gọi đầu tư cảng nước sâu Trần Đề.

Vì sao tỉnh Sóc Trăng đề xuất làm chủ đầu tư đoạn cao tốc 56 km? - Ảnh 2
Đại biểu HĐND Trần Khắc Tâm.

“Cảng Trần Đề sẽ có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, các tỉnh lân cận nói chung. Bởi theo Quy hoạch Cảng quốc tế Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn. Tôi được biết, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án Cảng biển nước sâu Trần Đề. Các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan chức năng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc”, TS Trần Khắc Tâm nói.

Theo tìm hiểu của Phóng viên từ tư liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, bến cảng Trần Đề được định hướng quy hoạch nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ (QL 60, QL1, QL91, 91C) thuận lợi đến các cảng và đầu mối logistics của vùng.

Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng nói rằng, việc đầu tư xây dựng Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thương, liên kết với các cảng dọc tuyến sông Hậu, Cảng Trần Đề và các trung tâm đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng…

V.Chương

Bạn đang đọc bài viết Vì sao tỉnh Sóc Trăng đề xuất làm chủ đầu tư đoạn cao tốc 56 km?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới