Chủ nhật, 24/11/2024 09:55 (GMT+7)
Thứ hai, 21/03/2022 16:00 (GMT+7)

Chuyên gia lý giải vì sao trữ lượng rừng Việt Nam thấp hơn trữ lượng rừng thế giới 7,5 lần

Theo dõi KTMT trên

Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt 42% cao hơn bình quân thế giới (31%) tuy nhiên trữ lượng rừng của Việt Nam thấp hơn bình quân thế giới đến 7,5 lần do rừng của Việt Nam chủ yếu là rừng trung bình và rừng nghèo.

Ngày 13/4/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định 1558/QĐ-BNN-TCLN về việc Công bố hiện trạng rừng toàn quốc. Theo đó, đến hết năm 2020, tổng diện tích đất có rừng của Việt Nam bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.677.215ha.  

Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10.279.185 ha. Diện tích rừng trồng là 4.398.030 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.919.557ha, tỷ lệ che phủ là 42,01%.

Dù tỷ lệ che phủ toàn quốc của Việt Nam cao hơn tỷ lệ che phủ bình quân của thế giới (bình quân thế giới đạt 31%), tuy nhiên, diện tích rừng bình quân đầu người của chúng ta thấp hơn bình quân thế giới 7 lần và trữ lượng cũng thấp hơn bình quân của thế giới 7,5 lần. 

Chuyên gia lý giải vì sao trữ lượng rừng Việt Nam thấp hơn trữ lượng rừng thế giới 7,5 lần - Ảnh 1
Tỷ lệ che phủ rừng Việt Nam được nâng từ mức 27,2% lên 42,01%. (Ảnh minh họa)

Lý giải về điều này, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh cho hay, trong giai đoạn từ 1943 -1995, Việt Nam chúng ta ghi nhận tỷ lệ che phủ rừng giảm từ 43% xuống còn chỉ 27,2%, vào loại thấp nhất trên toàn cầu.

Theo GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, ngoài việc chiến tranh kéo dài suốt hơn ba mươi năm khiến rừng bị tàn phá thì nguyên nhân khiến tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam giảm kỷ lục trong giai đoạn này còn do rừng bị khai thác quá mức. Rừng và đất rừng bị chuyển đổi thành đất sản xuất nông nghiệp, du mục, đói nghèo, cháy rừng và thiên tai, hiểm họa cũng là những lý do khiến cho diện tích rừng bị suy giảm trông thấy.

Điều này được thể hiện rõ tại khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung đông các cộng động người dân tộc thiểu số có sinh kế phụ thuộc vào rừng, tập quán canh tác còn lạc hậu diện tích rừng giảm 312.416 ha, độ tàn che giảm 5,8% và trữ lượng rừng giảm 25,5 triệu m3, tương đương gần 8% tổng dự trữ rừng quốc gia.

Chuyên gia lý giải vì sao trữ lượng rừng Việt Nam thấp hơn trữ lượng rừng thế giới 7,5 lần - Ảnh 2
Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, trữ lượng của rừng Việt Nam thấp do rừng của ta chủ yếu là rừng nghèo kiệt và trung bình. 

Theo GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, để giải quyết tình trạng tỷ lệ rừng che phủ xuống thấp, Nhà nước ta đã đề ra chương trình trồng 5 triệu hecta rừng. Dù chỉ trồng được 4,5 triệu hecta rừng, không đạt kế hoạch đề ra ban đầu, nhưng qua đó cũng đã góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam từ mức 27,2% lên 42,01% như hiện nay, cao hơn mức bình quân của thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích rừng bình quân đầu người của nước ta vẫn thấp hơn trung bình thế giới 7 lần và trữ lượng cũng thấp hơn bình quân của thế giới 7,5 lần.

Lý giải về điều này GS.TSKH - Đặng Huy Huỳnh cho rằng, tỷ lệ rừng trên đầu người của nước ta thấp là vô cùng dễ hiểu. Việt Nam có hơn 96 triệu người, đứng thứ 15 thế giới về quy mô dân số, trong khi xét về quy mô thì nước ta đứng thứ 65 trên thế giới về diện tích nên tỷ lệ diện tích rừng của chúng ta thấp hơn bình quân thế giới nhiều lần như hiện nay là dễ hiểu.

Chuyên gia lý giải vì sao trữ lượng rừng Việt Nam thấp hơn trữ lượng rừng thế giới 7,5 lần - Ảnh 3
Cháy rừng và thiên tai, hiểm họa cũng là những lý do khiến cho diện tích rừng bị suy giảm trông thấy. (Ảnh minh họa)

Điều đáng bàn là trữ lượng của chúng ta đang thấp hơn thế giới 7,5 lần. Vấn đề này xuất phát từ chất lượng bên trong các cánh rừng của chúng ta.

Trong 30 năm qua, diện tích rừng tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, như vậy so với cách đây 30 năm diện tích rừng tự nhiên đã tăng 1,3 triệu ha. Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt, trong 10,3 triệu ha rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt.

Nếu như 1 hecta rừng giàu có trữ lượng từ 201-300 m3 thì một hecta rừng trung bình chỉ có trưc lượng từ 101-200 m3. Riêng 1 hecta rừng nghèo kiệt có trưc lượng từ 10-100 m3. Với việc hơn 85% diện tích rừng tự nhiên là rừng thuộc nhóm rừng trung bình và rừng nghèo kiệt khiến cho sản lượng trung bình của rừng Việt Nam hết sức thấp.

Do trữ lượng rừng ở mức thấp khiến khả năng hấp thụ CO2 của các cánh rừng ở Việt Nam vào loại thấp, khi khả năng hấp thụ CO2 của rừng tỷ lệ thuận với sinh khối nên sinh khối càng lớn, khả năng hấp thụ CO2 càng cao.

Trong khi đó, lượng CO2 được hấp thụ bởi rừng nghèo trong khoảng 30,74 tấn/ha - 142,03 tấn/ha, rừng trung bình trong khoảng 177,76 tấn/ha - 319,71 tấn/ha và rừng giàu trong khoảng 484,82 tấn/ha - 1.013,1 tấn/ha.

Cũng theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, để nâng cao trữ lượng rừng của Việt Nam, qua đó nâng cao khả năng hấp thụ CO2, chúng ta cần phải từng bước cải tạo, nâng cao sự đa dạng của các cánh rừng tự nhiên tại Việt Nam. Nếu như trước đây chúng ta thường chỉ ưu tiên chọn lựa một loại cây giống nhất định thì nay chúng ta cần chọn nhiều loại giống cây đặc trưng, phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu của từng vùng miền.

Ngoài việc phát triển, nâng cao trữ lượng của các các diện tích rừng nghèo kiệt, trung bình thì chúng ta cũng cần bảo tồn sự đa dạng của các diện tích rừng giàu, chỉ có như thế chúng ta mới nâng cao được trữ lượng rừng của Việt Nam nâng cao khả năng hấp thụ CO2. Qua đó góp phần thực hiện thành công các cam kết của Việt Nam về giảm tác động của khí thải nhà kính tại COP26.

Hà Nam - Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia lý giải vì sao trữ lượng rừng Việt Nam thấp hơn trữ lượng rừng thế giới 7,5 lần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới