Chủ nhật, 24/11/2024 10:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/06/2020 15:24 (GMT+7)

Việt Nam chủ động bước vào 'thập kỷ phục hồi hệ sinh thái'

Theo dõi KTMT trên

Giai đoạn 2021 – 2030 là "thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái" nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy.

Việt Nam chủ động bước vào 'thập kỷ phục hồi hệ sinh thái' - Ảnh 1
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Từ nhiều năm nay, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hiện có hàng triệu loài động thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người gây ra.

Báo cáo đánh giá dịch vụ hệ sinh thái toàn cầu 2019 cho biết, 75% hệ sinh thái trên bề mặt trái đất đã có sự thay đổi, 85% diện tích khu vực đất ngập nước bị mất đi. Suy thoái đất làm giảm 23% năng suất các hệ sinh thái cạn, khoảng từ hơn 200 đến hơn 500 tỉ đô la từ sản lượng cây trồng toàn cầu hàng năm đối mặt với rủi ro cao do mất nguồn hỗ trợ cho thụ phấn.

Trong khi đó, sự suy thoái của hệ sinh thái đất và biển làm giảm phúc lợi của 3,2 tỉ người và làm mất khoảng 10% tổng sản phẩm toàn cầu hàng năm do mất các loài và dịch vụ hệ sinh thái.

Theo tính toán, việc khôi phục 350 triệu ha đất bị thoái hóa từ nay đến năm 2030 có thể tạo ra 9 nghìn tỉ USD giá trị dịch vụ hệ sinh thái và hấp thu thêm 13-26 tỉ tấn khí thải nhà kính từ khí quyển.

Để đối phó với thực trạng này, vào ngày 1/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 – 2030 là "Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái" nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Ngày Môi trường Thế giới năm 2020 có chủ đề “Hành động vì thiên nhiên” cũng được xem là dấu mốc quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Việt Nam chủ động bước vào 'thập kỷ phục hồi hệ sinh thái' - Ảnh 2
Ngày Môi trường Thế giới năm 2020 có chủ đề “Hành động vì thiên nhiên”.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn, đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn.

Tuy vậy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh.

Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thời gian qua công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã huy động được sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học; lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước... Ðến nay, chúng ta đã thành lập được 173 khu bảo tồn, trong đó gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Cả nước cũng có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, trước khi bước vào “thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”, Việt Nam cần có chủ động để khẳng định được sự đóng góp trong việc thực hiện các mục tiêu chung của quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Sự chủ động có thể được thể hiện thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách mới, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước bị suy thoái; bảo tồn hiệu quả loài và nguồn gen.

Trả lời báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nhân nêu rõ: "Thời gian tới, để tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ TN&MT cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, chú trọng các quy định về bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm các tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tới đa dạng sinh học. Coi đầu tư vào vốn tự nhiên là giải pháp để thực hiện phát triển bền vững.

Thực hiện xây dựng Chiến lược và Quy hoạch quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học cho giai đoạn 10 năm tiếp theo, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn đến năm 2030.

Tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng dẫn áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học nói chung.

Tăng cường quản lý hệ sinh thái đất ngập nước, bao gồm thiết lập các khu bảo tồn đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.

Thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác của các bên liên quan, bao gồm hợp tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý về đa dạng sinh học".

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam chủ động bước vào 'thập kỷ phục hồi hệ sinh thái'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới