Chủ nhật, 24/11/2024 08:01 (GMT+7)
Thứ năm, 04/11/2021 16:00 (GMT+7)

Việt Nam – Hàn Quốc tăng cường mở rộng hợp tác trong lĩnh vực môi trường

Theo dõi KTMT trên

Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Han Jeoung-ae mong muốn Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong các vấn đề về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu để đem lại lợi ích cho hai quốc gia.

Tăng cường hợp tác để đem lại lợi ích cho hai quốc gia

Trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với bà Han Jeoung-ae, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc về lĩnh vực môi trường. 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ vui mừng được gặp bà Han Jeoung-ae tại Hội nghị COP26. Đồng thời đánh giá cao sự có mặt của lãnh đạo các đơn vị có năng lực của Hàn Quốc. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị sửa đổi Luật Tài nguyên nước và báo cáo đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước để xây dựng quy hoạch tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được Quốc hội thông qua, theo đó phương thức quản lý rác thải cũng sẽ thay đổi, từ chôn lấp sang chuyển hóa rác sinh năng lượng. Vì vậy, Việt Nam cần thiết lập tiêu chuẩn xử lý rác thải mới và tiêu chuẩn đốt rác tạo năng lượng. Hiện Việt Nam đang rất quan tâm đến công nghệ xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan tới môi trường, hệ thống quan trắc giám sát môi trường...

Việt Nam – Hàn Quốc tăng cường mở rộng hợp tác trong lĩnh vực môi trường - Ảnh 1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà gặp gỡ và làm việc Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc trong khuôn khổ Hội nghị COP26. (Ảnh: Báo TN&MT)

Về những nội dung Bộ trưởng Trần Hồng Hà quan tâm, Bà Han Jeoung-ae khẳng định, Hàn Quốc có kinh nghiệm trong việc xử lý các loại rác thải chất lượng cao, trung bình và thấp, mỗi loại rác có tiêu chuẩn và cách xử lý khác nhau. Hiện nay Hàn Quốc có các nghiên cứu phù hợp và sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam. Đơn cử như cơ quan K-Water đã có các nghiên cứu về năng lượng tái tạo, năng lượng thủy điện, xây dựng thành phố thông minh; nghiên cứu làm thế nào để sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên nước…

Bà Han Jeoung-ae cũng cho biết, Hàn Quốc và UAE đã đạt được sự đồng thuận về việc lựa chọn quốc gia đăng cai COP28. Hàn Quốc có thể đăng cai tổ chức Hội nghị COP33 vào năm 2028. Đồng thời nhấn mạnh, hiện nay có nhiều công ty Hàn Quốc làm việc tại thị trường Việt Nam và nhiều công ty Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Vì vậy, bà Bộ trưởng mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong các vấn đề về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học để đem lại lợi ích cho hai quốc gia.

"Báo cáo biến đổi khí hậu ở Việt Nam - Tác động và thích ứng"

Cũng trong khuôn khổ COP26, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường đã có phát biểu khai mạc giới thiệu báo cáo “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Tác động và thích ứng”.

Báo cáo là sản phẩm của Chương trình GEMMES Việt Nam, được tiến hành từ năm 2018 theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và AFD triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Phát triển Pháp ký kết nhân dịp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018.

Báo cáo gồm 04 phần và 13 chương, cung cấp thông tin ban đầu xác định các kịch bản về kinh tế - xã hội của Việt Nam khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở các mức 1,5oC, 2oC và 3oC. Báo cáo cũng phản ánh những tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đưa ra các khuyến nghị về giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dài hạn, trong đó tập trung vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo là kết quả nghiên cứu hợp tác của hơn 60 nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam, sử dụng các phương pháp khoa học, số liệu mới nhất trong các lĩnh vực liên quan.

PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương đã trình bày một phần nội dung nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện.

Tại sự kiện, Cục trưởng Tăng Thế Cường trân trọng cảm ơn AFD, IRD và các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu xây dựng báo cáo. Báo cáo là kết quả giữa kỳ của Chương trình GEMMES với những thông tin phân tích phong phú, là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho việc xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các quy hoạch, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Báo cáo “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Tác động và thích ứng” gồm 04 phần chính:

Phần 1: Biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đề cập tới biến đổi khí hậu toàn cầu và tại Việt Nam; biến đổi khí hậu và thích ứng tại Việt Nam;

Phần 2: Tác động kinh tế - xã hội gồm tác động của các ngành, lĩnh vực (y tế, nông nghiệp/lúa gạo, năng lượng, sự ảnh hưởng đến năng suất lao động…);

Phần 3: Biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, gồm những tác động của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, quản trị nguồn lực, vấn đề về tài nguyên nước, sụt lún, xâm nhập mặn và những rủi ro do tác động xuyên biên giới, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long;

Phần 4: Tác động kinh tế vĩ mô của biến đổi khí hậu, gồm các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu từ Trung ương đến địa phương; tài chính thích ứng và lộ trình đầu tư ở Việt Nam; tác động kinh tế vĩ mô của biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam – Hàn Quốc tăng cường mở rộng hợp tác trong lĩnh vực môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới