Chủ nhật, 24/11/2024 00:39 (GMT+7)
Thứ hai, 21/10/2024 07:02 (GMT+7)

Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hiện nay GDP của Việt Nam hoàn toàn đủ dư địa để triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Chiều 20/10, trả lời về nội dung xem xét chủ trương dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV khai mạc từ sáng 21/10, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho hay, hồ sơ dự án trình Quốc hội vừa được Chính phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 19/10. Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng nội dung này.

Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng ký trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án có điểm đầu tại TP.Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm).

Tổng chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 1.541km, dự kiến khoảng 60% là cầu, 10% là hầm và 30% nền đất.

Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam - Ảnh 1
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. (Ảnh minh hoạ)

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Về quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các đô thị có nhu cầu vận tải lớn.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 10.827ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655ha (trong đó đất lúa nước từ hai vụ trở lên 3.102ha); đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605ha. Số dân cần tái định cư khoảng 120.836 người.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hơn 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD, suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Trong đó ước tính chi phí bồi thường, tái định cư khoảng 5,9 tỷ USD; chi phí xây dựng khoảng 33,25 tỷ USD; chi phí thiết bị khoảng 11,03 tỷ USD; chi phí quản lý dự án khoảng 0,8 tỷ USD); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng khoảng 3,61 tỷ USD; chi phí khác khoảng 0,9 tỷ USD; chi phí dự phòng (gồm lãi vay) khoảng 11,85 tỷ USD.

Theo đề xuất của Chính phủ, dự án được đầu tư công với nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc…

Trong quá trình xây dựng và vận hành sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện khi có nhu cầu.

Chính phủ đề xuất thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến trong năm 2035.

Về tổ chức khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ đề xuất trong điều kiện bình thường tổ chức khai thác chủ yếu vận chuyển hành khách (tàu chỉ dừng ở một số ga chính; tàu dừng đan xen ở tất cả các ga...).

Trường hợp có nhu cầu vận tải hàng hóa, hoặc xuất hiện tình huống khẩn cấp sẽ điều chỉnh biểu đồ chạy tàu cho phù hợp.

Trước đó, sáng ngày 20/10, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trực tiếp truyền đạt một chuyên đề, trong đó, có nội dung về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một yêu cầu khách quan và mang tính chiến lược trong quá trình phát triển hạ tầng đất nước. Đồng thời dự án sẽ tạo ra không gian phát triển mới, giá trị gia tăng của đất, đi lại thuận lợi cho người dân, cạnh tranh hàng hóa...

Thủ tướng chỉ rõ, trước đây Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, khi GDP bình quân đầu người chỉ hơn 1.000 USD và tổng GDP đạt hơn 100 tỷ USD, nên chưa thể thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, hiện nay GDP của Việt Nam đã tăng gấp 3-4 lần, hoàn toàn đủ dư địa để triển khai dự án quan trọng này.

Về nguồn lực cho dự án, Thủ tướng cho biết có thể huy động từ nhiều nguồn như: Ngân sách trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu và hợp tác công tư. Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta có đủ điều kiện để làm".

Dẫn chứng từ thế giới, Trung Quốc hiện có mạng lưới đường sắt cao tốc dài 47.000km và mỗi năm xây dựng thêm 3.000km. Việt Nam đã đề ra mục tiêu hoàn thành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong 10 năm, đến năm 2035 phải hoàn thành.

Tuy nhiên, Thủ tướng cảnh báo nếu làm theo cách cũ, việc này có thể mất đến 50 năm, do đó cần đổi mới quản trị, quản lý, huy động nguồn lực và chống tham nhũng, lãng phí để đảm bảo dự án được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới