Thứ năm, 28/11/2024 01:24 (GMT+7)
Thứ năm, 23/12/2021 18:00 (GMT+7)

Việt Nam hút 'đại gia' điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam là quốc gia có những điều kiện tự nhiên tốt nhất Châu Á để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới chính thức đặt chân vào thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Orsted Đan Mạch gia nhập thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Đan Mạch do bà Louise Holmsgaard, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đến trao đổi, giới thiệu về Dự án điện gió ngoài khơi. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành chức năng của thành phố.

Thông tin tới Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thọ cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hải Phòng đã có những bước phát triển toàn diện, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ. Tiềm năng lợi thế được phát huy, thu hút đầu tư nước ngoài FDI, đạt trên 1,4 tỷ đô la Mỹ, gấp 3,03 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 57% kế hoạch năm.

Việt Nam hút 'đại gia' điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới - Ảnh 1
Orsted Đan Mạch gia nhập thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Về kế hoạch năng lượng của thành phố, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thọ nhấn mạnh, tại Chương trình hành động 01 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, trong đó thành phố nêu rõ ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và điện gió ngoài khơi gắn với việc triển khai chiến lược kinh tế biển Việt Nam. Theo đó, tập trung phát triển điện gió tại các khu vực có tiềm năng như: khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ, khu vực phía bắc Thủy Nguyên (khu vực núi Sơn Đào) và khu vực ven biển Bàng La, quận Đồ Sơn…

Bà Louise Holmsgaard Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Đan Mạch cũng giới thiệu dự án điện gió ngoài khơi với sự tham gia của Tập đoàn Orsted. Theo đó, Orsted mong muốn đầu tư dự án Điện gió ngoài khơi tại vùng biển Hải Phòng. Bà Louise Holmsgaard cho biết Orsted của Đan Mạch hiện là tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, là nhà đầu tư dài hạn, có năng lực, kinh nghiệm và thành công trong xây dựng ngành công nghiệp cho địa phương.

Việt Nam hút 'đại gia' điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới - Ảnh 2
Tập đoàn Orsted đã hợp tác với Nhật Bản trong các dự án điện gió ngoài khơi từ năm 2019. (Ảnh minh họa)

Với năng lực và kinh nghiệm hiện tại của Tập đoàn, bà tin rằng nếu dự án được đầu tư sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đóng góp vào mục tiêu phát triển xanh trong chiến lược an ninh năng lượng Quốc gia. Ngoài ra, bà Louise Holmsgaard cũng bày tỏ mong muốn, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Đan Mạch và Hải Phòng thời gian tới tiếp tục được thúc đẩy trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch, chuyển đổi kinh tế xanh….

Tính đến năm 2020, Orsted là nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, chiếm 29% công suất lắp đặt toàn cầu và sản xuất 88% năng lượng từ các nguồn tái tạo. Orsted là doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối đi đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đã phát triển thành công các dự án điện gió lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2019, Orsted đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản triển khai hợp tác trong các dự án điện gió ngoài khơi. Sau đó, vào tháng 11/2020, tập đoàn này cũng đã công bố một dự án năng lượng xanh để thiết lập tổ hợp điện gió ngoài khơi với công suất tiềm năng lên đến 1,6GW ngoài khơi bờ biển phía Tây của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng tám nghìn tỷ won, tương đương 7,2 tỷ USD.

Theo đánh giá của Orsted, Việt Nam là quốc gia có những điều kiện tự nhiên tốt nhất Châu Á để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với đường biển dài hơn 3.000km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao. Đây là những điều kiện tiên quyết quan trọng để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với chi phí thấp và độ tin cậy cao.

Đại diện tập đoàn Orsted cho biết, tập đoàn hướng đến phát triển các dự án điện gió ngoài khơi khá xa, thường cách bờ từ 20km trở lên, thậm chí có những dự án ngoài khơi 50km nên đảm bảo an toàn cho hoạt động dánh bắt thủy hải sản và tàu bè đi lại, đồng thời không ảnh hưởng tới bất cứ hoạt động du lịch nào của địa phương cũng như đối với môi trường.

“Chúng tôi rất chú trọng chất lượng của các dự án trên các phương diện. Do đó, các dự án này thực sự thân thiện với môi trường và hướng đến tạo ra hàng ngàn việc làm chất lượng cao, mang lại cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất điện gió cho nhiều đối tác, nhà cung cấp trong nước cũng như lao động địa phương”, ông Sebastian Hald Buhl, Giám Đốc Quốc Gia Orsted tại Việt Nam từng khẳng định với báo giới.

Đánh giá cao năng lực của Tập đoàn Orsted trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ hoan nghênh dự định đầu tư dự án tại thành và khẳng định sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đối với nhà đầu tư.

Điện gió ngoài khơi của Việt Nam “hấp dẫn” nhà đầu tư nước ngoài

Theo  đánh  giá  của  các  nhà  đầu tư, Việt Nam là quốc gia có những điều kiện tự nhiên tốt nhất Châu Á để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với đường biển dài hơn 3.000km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao. Đây là những điều kiện tiên quyết quan trọng để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với chi phí thấp và độ tin cậy cao.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được ước tính nằm trong khoảng từ 160 GW (Cơ quan Năng lượng Đan Mạch) đến gần 500 GW (Ngân hàng Thế giới). Với cơ sở pháp lý phù hợp, Việt Nam có thể tạo ra một ngành công nghiệp sôi động, không chỉ mang lại cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra sản lượng năng lượng tái tạo lớn và ổn định.

Việt Nam hút 'đại gia' điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới - Ảnh 3
Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được ước tính nằm trong khoảng từ 160 GW. (Ảnh minh họa)

Đối với các tập đoàn đa quốc gia bị ràng buộc bởi các yêu cầu từ nước nhà và đã cam kết hoạt động 100% bằng năng lượng tái tạo thì việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư lớn.

Hơn nữa, điện gió ngoài khơi có thể kích thích hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn đầu tư nước ngoài và khởi động một ngành công nghiệp mới năng động tạo ra hàng chục ngàn công việc chất lượng cao trong khi vẫn giúp giảm phát thải.
Để phát huy tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu rất lớn trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), trong đó, đặt mục tiêu tăng tỷ trọng điện tái tạo lên mức khoảng 30% vào năm 2030.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam hút 'đại gia' điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới