Chủ nhật, 24/11/2024 08:46 (GMT+7)
Thứ năm, 26/05/2022 17:27 (GMT+7)

Việt Nam nắm bắt tốt xu hướng phát triển kinh tế xanh bền vững

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao về tiềm năng phát triển nền kinh tế xanh sau những nỗ lực mà đất nước đã thực hiện, cũng như cam kết mạnh mẽ về việc đưa mức phát thải ròng bằng "0" trước năm 2050 tại hội nghị COP26.

EuroCham cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh

Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam hướng đến nền kinh tế không carbon, nền kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế bền vững là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quốc tế và để chúng ta không bị để lại phía sau. Qua đó, nếu có các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong vấn đề bảo vệ môi trường, cũng sẽ là động lực để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.

Tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GFFE) 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, đại diện EuroCham cho hay, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. So với một số nước trong khu vực, Việt Nam đã đi nhanh và đạt được một số thành tựu "kinh tế xanh".

Một bộ phận doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đã tiến tới quá trình tăng trưởng xanh, thông qua hoạt động độc lập hoặc liên doanh với doanh nghiệp trong nước để triển khai các công trình giảm thiểu phát tán khí CO2 ra môi trường.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) sẽ tổ chức “Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh - Green Economy Forum & Exhibition (GEFE) 2022” từ ngày 28 đến 30/11 tại Sala’s THISO SkyHall, TP.HCM.

Theo đó, sự kiện này được tổ chức nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26 và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030".

Việt Nam nắm bắt tốt xu hướng phát triển kinh tế xanh bền vững - Ảnh 1
Việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.

Với những mục tiêu và cam kết của Việt Nam cũng như yêu cầu cao của các thị trường nhập khẩu từ các nước phát triển như ở khu vực châu Âu, đại diện EuroCham cho rằng, áp lực tăng trưởng xanh tại Việt Nam đến từ mọi phía, không chỉ đối với chính phủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng…

"Động lực phát triển kinh tế của Việt Nam đến từ thu hút đầu tư nước ngoài. Mỗi năm khối doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 10% GDP Việt Nam và 80% khối đầu tư nước ngoài hoạt động trong ngành sản xuất, phát tán ô nhiễm môi trường. Ngày nay, với yêu cầu của các nước nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất chỉ có con đường tất yếu là phải xanh hóa quá trình sản xuất" - đại diện EuroCham đánh giá.

Năng lượng tái tạo của Việt Nam đang dẫn đầu khu vực

Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao về tiềm năng phát triển nền kinh tế xanh sau những nỗ lực mà đất nước đã thực hiện, cũng như cam kết mạnh mẽ về việc đưa mức phát thải ròng xuống 0 trước năm 2050 tại hội nghị COP26.

“Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về năng lượng tái tạo. Thật đáng kinh ngạc về những gì mà đất nước này đã đạt được so với Philippines, Thái Lan, hay Indonesia”, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nắm bắt tốt xu hướng phát triển kinh tế xanh và ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhờ nỗ lực phát triển bền vững.

Trong khi đó, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, dẫn lại nhận định từ chủ tịch COP26 với cam kết giảm phát thải còn 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng "Việt Nam không chỉ đưa ra tuyên bố táo bạo, mà còn có những bước đi táo bạo để thực hiện tuyên bố đó".

Là người có nhiều năm làm việc và nghiên cứu các thị trường mới nổi, ông Evans nhận định một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam là nhận thức của đất nước về kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng quốc tế khi họ đổ nguồn vốn FDI vào đây.

Các số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam nhận được từ 35 đến 40 tỷ USD vốn FDI mỗi năm, con số này nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Con số đó chiếm khoảng 8%-10% GDP quốc gia, và 80% trong số đó được đưa vào sản xuất và tạo ra hàng hóa cho xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã tích lũy kinh nghiệm phát triển bền vững từ nhiều năm trước, cùng với sự hợp tác của các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu hành trình phát triển xanh của họ để trở thành nhà xuất khẩu lớn đến châu Âu, hoặc Mỹ.

“Thời gian qua, năng lượng tái tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt trong đảm bảo nguồn cung điện trong nước.Tỷ lệ điện từ các nguồn tái tạo trong 4 tháng đầu năm chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định.

Theo thống kê, lĩnh vực năng lượng chiếm 3/4 nguồn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Chính vì vậy, không riêng Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới cần thay đổi, chuyển đổi cách thức sản xuất và sử dụng năng lượng. Việc đầu tư phát triển cho năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới khi ảnh hưởng địa chính trị của dầu mỏ và khí đốt vẫn gây biến động lớn trên toàn cầu.

Tại COP26, Việt Nam cùng 146 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Mục tiêu này là con đường phát triển tất yếu của thế giới kèm theo các tuyên bố chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp, hướng tới đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện tại, Việt Nam tiêu thụ điện năng tăng hơn 11% mỗi năm, nhanh hơn đáng kể so với GDP quốc gia. Trong khi đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá Việt Nam là nước sử dụng điện lớn thứ hai Đông Nam Á. Tiêu thụ năng lượng trong khu vực là một trong những mức tăng nhanh nhất thế giới, với nhu cầu tăng ở mức ổn định 6% mỗi năm trong 20 năm qua.

Trong bối cảnh sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước không thể đáp ứng kịp nhu cầu, để tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu để vận hành hệ thống điện và biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển năng lượng tái tạo.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời nhiều nhất trên toàn cầu vào năm 2020. Hệ thống điện mặt trời cung cấp khoảng 10,6 TWh điện vào năm 2020, chiếm gần 4% tổng sản lượng. Dự báo năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ chiếm khoảng một nửa tổng công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam vào năm 2030.

Tiềm năng điện mặt trời cao và các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng vào năm 2050 sẽ giúp Việt Nam có mọi cơ hội để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu trong ASEAN, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.

Dù còn nhiều khó khăn thách thức, song các chuyên gia năng lượng đồng tình nhận định, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền "kinh tế xanh" đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam nắm bắt tốt xu hướng phát triển kinh tế xanh bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới