Chủ nhật, 24/11/2024 04:44 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/03/2023 16:50 (GMT+7)

Việt Nam nỗ lực trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh

Theo dõi KTMT trên

Việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.

Quy mô vượt mốc kỷ lục 400 tỷ USD

Sáng 17/3, “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023” (VBF) diễn ra với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh".

Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, tác động nhiều mặt, ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với toàn thế giới. Lần đầu tiên, quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Hoạt động đầu tư, thương mại đều có sự tăng trưởng tích cực với tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 30 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Mặc dù đang trong giai đoạn phát triển phục hồi hậu COVID-19, vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài vẫn tăng 13,5% so với cùng kỳ, một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trên bản đồ đầu tư khu vực và toàn cầu.

Trong những năm qua, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã và đang được xác định là một trong những trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam nỗ lực trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - Ảnh 1
Việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tại hội nghị. 

Cụ thể, ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh, như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Kinh tế xanh là xu thế tất yếu

Xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

“Việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu. Theo đó, mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh - xã hội 10 năm 2021-203. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Ngoài ra, để tăng trưởng xanh làm đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023, cần cách tiếp cận mới trong bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải chỉ là khâu nhỏ trong lộ trình thực hiện phát triển bền vững, cần nghiên cứu quy định doanh nghiệp phải đáp ứng tỷ lệ tái chế nhất định.

Phát biểu tại hội nghị, Ông John Rockhold, đại diện nhóm công tác điện và năng lượng của VBF chia sẻ Việt Nam không phải ngoại lệ trong xu thế chuyển dịch năng lượng. Hơn nữa, quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam còn đi song hành với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa.

Do đó, việc chuyển dịch năng lượng sẽ còn mang lại cơ hội việc làm và xu hướng này sẽ ngày càng nhân rộng, tạo ra điều kiện cần thiết cho sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. 

Tiếp đó,  nhằm cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 22/7/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với 4 mục tiêu quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam nỗ lực trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới