Chủ nhật, 24/11/2024 09:26 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/02/2022 15:00 (GMT+7)

Việt Nam quyết tâm theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm

Theo dõi KTMT trên

Ngày 25/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị quốc tế về “Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế”.

Nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn và chứng kiến những thay đổi sâu sắc.

Theo đó, đại dịch Covid-19 đã gây ra các tác động nặng nề đối với sức khỏe người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia. Biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục gây tổn thất nặng nề. Đất, không khí và nước con người đang sử dụng ngày càng trở nên ô nhiễm. Bất bình đẳng tại mỗi quốc gia và giữa các quốc gia vẫn tiếp tục trở nên trầm trọng hơn.

Việt Nam quyết tâm theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm - Ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch, thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây là những thách thức rất lớn, song, quá trình phục hồi kinh tế hiện nay có thể là một cơ hội để chuyển đổi theo hướng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với những định hướng lớn được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong tình hình đó, Bộ Ngoại giao xác định việc nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ về những xu thế lớn trên thế giới về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh nghiệm của các nước trong quá trình chuyển đổi, thích ứng… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong những năm tới.

Trong đó, tập trung vào mục tiêu thu hút nguồn lực và tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt là thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vừa được Chính phủ thông qua vào ngày 30/1/2022 vừa qua.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, Bộ Ngoại giao cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương vận động các đối tác phát triển hỗ trợ về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực để góp phần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính thông qua chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang mô hình xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn…

Việt Nam quyết tâm theo đuổi phục hồi xanh

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh các mối đe dọa nghiêm trọng từ các thách thức an ninh phi truyền thống đòi hỏi các quốc gia đánh giá lại, đề ra và triển khai các chính sách và biện pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn, tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế, chuyển đổi số nhằm phục hồi một cách bao trùm và bền vững hơn.

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam quyết tâm theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm. Việt Nam đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội, tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với Chương trình phục hồi, Việt Nam cũng đang cập nhật và thực hiện nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, điển hình là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, Chiến lược tăng trưởng xanh 2021- 2030. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực triển khai những định hướng lớn về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, song song với những nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị COP 26 vừa qua.

Phó Thủ tướng cho rằng quá trình chuyển đổi là một tiến trình đầy khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, do đó, Việt Nam mong muốn các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm về phục hồi kinh tế xanh và bao trùm, đề xuất các giải pháp tổng thể phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của Việt Nam, từ đó hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Chia sẻ tại Hội nghị, Chuyên gia kinh tế Joseph Stiglitz điểm lại giai đoạn khó khăn của thế giới cũng như của từng quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19; đánh giá cao chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam thời gian qua.

Ông Joseph Stiglitz khẳng định, thế giới vẫn còn nhiều thách thức như nạn nghèo đói, bất bình đẳng.. . Covid-19 đã làm lộ ra những điểm yếu này. Nếu muốn duy trì một nền kinh tế phát triển bền vững, bao trùm, các quốc gia cần coi môi trường là nhân tố quan trọng

Chia sẻ ý kiến về nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, Chuyên gia kinh tế Joseph Stiglitz cho rằng, Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng xanh theo hướng bao trùm; chú trọng đến vấn đề bất bình đẳng nhằm tránh hệ lụy chia rẽ xã hội dẫn đến ảnh hưởng đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, phục hồi kinh tế cần có nguồn vốn. Với sự ổn định chính trị, xã hội, Việt Nam có thể thu hút nguồn vốn này trong thời gian tới...

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến cho quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch của thế giới, khu vực và Việt Nam theo hướng xanh, bao trùm.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam quyết tâm theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới