Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử
Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86 trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử.
Liên Hợp Quốc vừa công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index – EGDI) năm 2020.
Xu thế mới của năm nay chính là “Chính phủ số” (Digital Government), tên chủ đề của Báo cáo năm 2020 là “Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development” (Chính phủ số trong thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững) cũng đã thể hiện xu thế này.
Thứ hạng của Việt Nam tăng liện tục từ năm 2014 - 2020. |
Trong Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng phân tích những đặc điểm phát triển hướng tới Chính phủ số như: dữ liệu là trung tâm; quyết định dựa trên dữ liệu; mở dữ liệu; dữ liệu là nguồn lực chủ chốt, tài sản chiến lược.
Báo cáo cũng phân tích cho thấy vai trò quan trọng của Chính phủ số khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngay trong các hoàn cảnh khó khăn vẫn cung cấp các dịch vụ trực tuyến, duy trì sự lãnh đạo của chính phủ, tạo sự gắn kết xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế; vai trò Chính phủ số sẽ được tiếp tục sau dịch bệnh.
Con đường phía trước là “trạng thái bình thường số mới” (new digital normal) đáp ứng với các thách thức toàn cầu và theo đuổi sự phát triển bền vững.
Trong bảng xếp hạng năm 2020, Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tăng 02 bậc so với năm 2018. Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86.
Ngoài việc đánh giá, xếp hạng các chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Báo cáo của Liên Hiệp Quốc còn phân tích những xu thế phát triển mới.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6 trong 11 nước, vẫn giữ nguyên vị trí như năm 2018; 05 nước có vị trí cao hơn Việt Nam vẫn là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bruinei và Philippines.
Thứ hạng của Việt Nam trong khu vực. (Nguồn: MIC) |
Việt Nam xếp hạng trên Indonesia nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và Indonesia bị thu hẹp đáng kể. Đáng chú ý là sự tăng hạng mạnh của một số nước; Campuchia tăng 21 bậc, từ vị trí 145 lên vị trí 124; Indonesia tăng 19 bậc, từ vị trí 107 lên vị trí 88; Thái Lan tăng 16 bậc, từ 73 lên vị trí 57; Myanmar tăng 11 bậc, từ vị trí 157 lên vị trí 146.
Tuy nhiên, trong số 5 quốc gia xếp vị trí cao hơn Việt Nam thì có 3 quốc gia bị giảm thứ hạng (Singapore giảm 4 bậc, Brunei giảm 1 bậc và Philippines giảm 2 bậc).
Năm 2020, Liên Hợp Quốc còn đánh giá thêm một số chỉ số phụ liên quan đến sự phát triển Chính phủ điện tử là Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index – EPI ).
Việt Nam có nhiều nỗ lực để đạt mục tiêu thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. |
Chỉ số này đánh giá sự tương tác điện tử giữa chính phủ và người dân, với mục đích khuyến khích các chính phủ cung cấp cho người dân các công cụ trực tuyến để tham gia vào quá trình ra quyết định. Năm 2020, Chỉ số EPI của Việt Nam có vị trí xếp hạng là 70/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018.
Với vị trí xếp hạng hiện nay, để đạt mục tiêu “Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI)” được nêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ), các bộ, ngành, địa phương chắc chắn sẽ phải nỗ lực vượt bậc trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chương trình nhằm phát triển đồng bộ Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số trong giai đoạn mới.
Vân Anh