Chủ nhật, 24/11/2024 09:36 (GMT+7)
Thứ ba, 06/07/2021 14:58 (GMT+7)

Vĩnh Long 'vào cuộc' kiểm tra hàng loạt dự án điện mặt trời

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì cùng sự tham gia của Công ty Điện lực Vĩnh Long đã kiểm tra việc triển khai các dự án điện mặt trời trên địa bàn.

Đoàn đã kiểm tra 44/60 công trình bao gồm: 11 công trình năng lượng mặt trời (NLMT) lắp trên mái nhà công trình với hình thức lập trang trại; 28 công trình NLMT lắp trên mái nhà công trình công nghiệp và 5 công trình NLMT lắp trên mái nhà dân dụng.

Qua kiểm tra, Đoàn nhận định việc phát triển các công trình NLMT trên địa bàn theo chủ trương của Chính phủ đã huy động được nguồn lực của toàn xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, qua đó góp phần đảm bảo cung ứng điện và an ninh, năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, do phải chạy đua  nghiệm thu trước thời điểm ngày 31/12/2020, nên bước đầu Đoàn đã ghi nhận một số sai phạm của các công trình điện mặt trời mái nhà trên địa bàn chưa tuân thủ đầy đủ, đúng quy định và Sở Công Thương Thông báo kết quả kiểm tra số 1088/TB-SCT, ngày 29/6/2021 gửi đến các đơn vị liên quan kiến nghị khắc phục, xử lý và báo cáo đến lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long.  

Vĩnh Long 'vào cuộc' kiểm tra hàng loạt dự án điện mặt trời - Ảnh 1
Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì cùng sự tham gia của Công ty Điện lực Vĩnh Long đã kiểm tra việc triển khai các dự án điện mặt trời trên địa bàn. (Ảnh: Nangluongsachvietnam.vn)

Ghi nhận ý kiến kiến nghị của Đoàn Kiểm tra, Công ty Điện lực Vĩnh Long đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn rà soát những nội dung liên quan đến thẩm quyền phía ngành điện để khắc phục các sai sót và xem xét xử lý trách nhiệm nghiêm đối với tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của ngành. Còn những nội dung sai sót không thuộc phạm vi, trách nhiệm của ngành điện, công ty sẽ phối hợp, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản số 3259/BCT-ĐL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời trên địa bàn.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/2021, ngày 5/3/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 795/QĐ-BCT về kiểm tra phát triển điện mặt trời. Qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện mặt trời (trong đó có điện mặt trời mái nhà) tại một số tỉnh, thành phố, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn các địa phương.

Để tăng cường quản lý nhà nước trong phát triển điện mặt trời, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/2021 về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời theo thẩm quyền của các địa phương. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, thanh tra các dự án điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) trong các giai đoạn quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư, nghiệm thu và đưa vào vận hành theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi kết quả thực hiện về Bộ Công Thương trước ngày 1/7/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu thống kê của EVN, đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW; trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020 gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.

Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỉ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỉ kWh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2019.

Do những yếu tố nêu trên, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.

Hệ quả của việc phát triển thiếu tầm nhìn

Theo PGS.TS Bùi Thiên Dụ, việc phát triển điện mặt trời thiếu tầm nhìn đã dẫn đến không giải tỏa hết công suất. Các vấn đề về lưới truyền tải đã không được tính toán, kiểm soát chưa chặt chẽ các công trình điện mặt trời. Các cơ chế, chính sách về phát triển điện mặt trời thời gian qua đều thiếu tính bền vững, chủ yếu là chắp vá. Dẫn chứng cho việc này, ông Bùi Thiên Dụ cho biết khi Quyết định 11 về khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực, nhà đầu tư, người dân đã phải "ngóng" một thời gian dài để có chính sách mới thay thế đó là Quyết định số 13.

Theo phân tích của vị chuyên gia này, các chính sách không dài hơi dẫn đến phát triển ồ ạt, gây áp lực lên việc giải tỏa công suất. Nếu "tuổi thọ" của chính sách đủ cho các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng khi triển khai thì sẽ không phải chạy theo hạn chót như thời gian qua. Ông Dụ nhấn mạnh thêm vừa qua chúng ta khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế hấp dẫn, nhưng đến nay do thiếu sự đồng bộ về lưới điện, phải cắt giảm công suất như dự báo của EVN là "đẩy rủi ro" về phía nhà đầu tư, người dân.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Long 'vào cuộc' kiểm tra hàng loạt dự án điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới