Vĩnh Phúc: Chỉ 1/3 số Khu công nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc tự động
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Vĩnh Phúc có 8/19 Khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động và mới có 6 KCN lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.
Tính đến 31/5/2021, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 8/19 KCN đi vào hoạt động, thu hút được 389 dự án thứ cấp. Trong đó, có 327 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 84% tổng số dự án đầu tư. Bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, các KCN đi vào hoạt động đã làm phát sinh một lượng lớn nước thải.
Theo báo cáo của Sở TN&MT Vĩnh Phúc, tổng lượng nước thải tại các KCN hiện đạt khoảng 15 nghìn m3/ngày đêm. Lượng nước thải này được phát sinh từ các hoạt động sản xuất, vệ sinh công nghiệp và sinh hoạt của công nhân viên trong các doanh nghiệp.
Trong 8 KCN đã đi vào hoạt động, 7 KCN có lưu lượng xả thải lớn hiện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế khoảng 27.800 m3/ngày đêm. Tại KCN Kim Hoa: Công ty Honda Việt Nam 1.000 m3/ngày đêm; KCN Khai Quang với 3 modul có tổng công suất là 9.800 m3/ngày đêm; KCN Bá Thiện II với 2 modul có tổng công suất là 5.000 m3/ngày đêm và KCN Thăng Long Vĩnh Phúc là 3.000 m3/ngày đêm...
Trong đó, có 6 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KCN đều được triển khai xây dựng theo báo cáo đánh giá môi trường (ĐTM) được duyệt.
Ông Phan Gia Lượng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý TN&MT, Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết: "Nhìn chung, các chủ đầu tư dự án tại KCN đều chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, cơ bản không có doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường KCN. Trong thời gian qua, chưa có các vấn đề môi trường đáng lưu tâm hoặc các sự cố môi trường đã từng xảy ra liên quan đến hoạt động của KCN".
Ông Lê Doãn Hoài, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III cho rằng, bên cạnh việc sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và có biện pháp xử phạt nghiêm để tạo sự răn đe nhằm ngăn chặn các vi phạm về bảo vệ môi trường trong tương lai.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ dữ liệu, khai thác hệ thống trang thiết bị và các nguồn lực quản lý môi trường tại các địa phương, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các doanh nghiệp và các KCN một cách hiệu quả nhất nhằm thực hiện kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Xuân Hòa (t/h)