Người dân Vĩnh Phúc mong muốn tên gọi đơn vị hành chính mới gắn với địa danh lịch sử
Cùng với nhiều người dân các địa phương khác, người dân Vĩnh Phúc mong muốn tên gọi các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập gắn với địa danh lịch sử.
Ngay sau khi tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết thống nhất thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh với nội dung, tỉnh Vĩnh Phúc sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay thành 36 đơn vị hành chính cấp xã mới, trong đó có 32 xã, 4 phường, giảm 85 đơn vị hành chính cấp xã, tương ứng trên 70%.

Ví như, huyện Sông Lô dự kiến thành lập các xã Sông Lô, Sông Lô 1, Sông Lô 2, Sông Lô 3; huyện Lập Thạch sắp xếp thành các xã mới là Lập Thạch, Lập Thạch 1, Lập Thạch 2, Lập Thạch 3, Lập Thạch 4, Sơn Đông; huyện Tam Đảo thành lập các xã mới là Tam Đảo, Tam Đảo 1, Tam Đảo 2.
Các xã Tam Dương, Tam Dương 1, Tam Dương 2, Tam Dương 3 sẽ được thành lập trên địa bàn huyện Tam Dương hiện nay. Huyện Vĩnh Tường có các xã mới là Vĩnh Tường, Thổ Tang, Vĩnh Tường 1, Vĩnh Tường 2, Vĩnh Tường 3, Vĩnh Tường 4...
UBND tỉnh Vĩnh Phúc được giao hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng hợp trình HĐND tỉnh thông qua, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định.
Việc sáp nhập các xã được đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm. Đa số ý kiến cho rằng, các đơn vị hành chính mới thành lập sau khi sáp nhập nên gắn với một địa danh nổi bật để phát huy những giá trị truyền thống của địa phương.

Ghi nhận những ý kiến tâm tư của người dân, tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa có văn bản gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, MTTQ và các cơ quan trên địa bàn tỉnh thông tin về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.
Công tác lấy ý kiến nhân dân đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc và đề án sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Phú Thọ được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định "triển khai đảm bảo dân chủ, đúng quy định, quy trình, tạo được sự đồng thuận của nhân dân".
UBND tỉnh Vĩnh Phúc được yêu cầu chỉ đạo các sở, ngành triển khai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nhân dân, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới bảo đảm tính ổn định, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo triển khai phương án đặt lại tên và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án đổi tên đơn vị hành chính cấp xã từ tên xã gắn với số thứ tự sang gắn với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương.
Theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử, tên gọi không chỉ đơn giản là một ký hiệu hành chính để xác lập danh giới quản lý, mà còn là biểu tượng của ký ức, là nơi neo đậu cảm xúc, là hồn cốt của mỗi vùng đất. Một cái tên có thể gợi nhắc cả một chiều dài lịch sử, một dòng chảy văn hóa, hay đơn giản là tuổi thơ, là mái nhà, là nơi chôn nhau cắt rốn của biết bao thế hệ.
Lắng nghe ý kiến nhân dân để kịp thời thay đổi, đó cũng là cách thể hiện tinh thần trọng dân, vì dân, giúp họ tự hào và gắn bó hơn với quê hương của mình.
Xuân Hòa