Lâm Đồng triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản và rừng
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng phá rừng hoặc khai thác khoáng sản trái phép kéo dài, không xử lý dứt điểm.
Trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của Công an tỉnh và Sở Nông nghiệp và Môi trường về việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh Lâm Đồng giao các đơn vị có thẩm quyền thực hiện nghiêm các quy định pháp luật có liên quan.
Cụ thể, UBND tỉnh giao các Sở, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn thực hiện rà soát, kiểm tra các khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản nằm trong hoặc giáp ranh với đất rừng, những khu vực đang khai thác có nguy cơ cao gây tác động tiêu cực đến rừng và đất lâm nghiệp (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ cảnh quan môi trường,...).
Định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc chấp hành các quy định pháp luật về khai thác, phục hồi môi trường và khoảng cách an toàn với diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng lân cận. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám để giám sát chặt chẽ tỉnh hình biến động khoảng sản và rừng, để đảm bảo kịp thời phát hiện, ngăn chận và xử lý vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình lợi dụng khai thác khoáng sản để phá rừng, lấn, chiếm, hủy hoại đất rừng, yêu cầu khôi phục tình trạng ban đầu và bởi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, lồng ghép nội dung kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản vào kế hoạch tuần tra, kiểm tra rừng của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các cơ quan chức năng ở địa phương; tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là dữ liệu về vùng phân bổ khoảng sản, hiện trạng rừng, phạm vi, khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có hoạt động khai thác khoáng sản.... về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản.
Đẩy mạnh trồng rừng, khôi phục lại rừng trên các khu vực đã khai thác khoáng sản xong, ưu tiên các loài cây phù hợp với địa hình và hệ sinh thái bản địa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoảng sản tham gia các chương trình phục hồi sinh thái, trồng rừng, trồng cây xanh, góp phản phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng phá rừng hoặc khai thác khoáng sản trái phép kéo dài, không xử lý dứt điểm thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an cấp xã phường thường xuyên năm tình hình, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, xuyên suốt các giải pháp nhằm đảm bảo công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử lý đối với các nội dung, vụ việc vượt thẩm quyền (nếu có).
Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng) cho biết, lũy kế tình hình vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp từ ngày 11/12/2024 đến ngày 16/4/2025, có 27 vụ vi phạm được phát hiện, trong đó, có 17 vụ phá rừng, diện tích rừng bị thiệt hại 3,79 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 386,2 m3 gỗ các loại; 6 vụ khai thác rừng trái phép, khối lượng lâm sản thiệt hại 18,5 m3 gỗ các loại; 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép/0,517m3 gỗ tròn; 1 vụ lấn chiếm rừng/diện tích bị tác động 1,315 ha.
Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được triển khai đồng bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tại một số địa bàn trong tình vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật và lấn, chiếm đất lâm nghiệp chưa được ngăn chặn triệt để. Chỉ tiêu tỉ lệ che phủ rừng chưa đạt so với kế hoạch đề ra.
Thanh Tùng