Chủ nhật, 24/11/2024 09:50 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/09/2020 07:33 (GMT+7)

Với Hòa Bình, 'nước là tiền'

Theo dõi KTMT trên

Với lượng nước mặt và nước dưới đất phong phú, Hòa Bình có lợi thế lớn về khai thác và sử dụng nguồn nước. Trong những năm qua, lợi thế này đã được tỉnh phát huy cao độ. Nước được đưa đi phục vụ sản xuất cho cả vùng hạ du rộng lớn; nước đưa vào nhà máy để thành nước sạch cho sinh hoạt người dân; và nước được biến thành dòng điện phát triển kinh tế đất nước. Với Hòa Bình, “nước là tiền”.

Với Hòa Bình, 'nước là tiền' - Ảnh 1
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN)

Biến nước thành tiền

Dù diễn biến thủy văn 8 tháng năm 2020 rất bất lợi, lượng nước về hồ Hoà Bình ở mức thấp, nhưng Công ty Thủy điện Hòa Bình vẫn thực hiện phối hợp điều hành với Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham gia công tác chống hạn với 3 đợt tăng cường phát điện xả nước cho nông nghiệp. Tổng lượng nước xả cả 3 đợt là 1,59 tỉ m3, đáp ứng cơ bản nhu cầu nước tưới cho đồng bằng Bắc bộ trong những tháng đầu năm 2020.

Trong những năm qua, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã hoàn thành xuất sắc cả 4 mục tiêu: Điều hòa, cắt lũ, đảm bảo an toàn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội; sản xuất điện năng cung cấp cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; chống hạn cho đồng bằng Bắc bộ; thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương...

Với dung tích hồ chứa lên tới 9,8 tỉ m3 nước, hàng năm, Thủy điện Hòa Bình cung cấp từ 2-3,2 tỉ m3 nước phục vụ đổ ải và gieo cấy cho vùng hạ lưu vào mùa khô, chiếm 65-70% tổng lưu lượng xả từ các hồ. Đồng thời, cung cấp nguồn nước đầu vào chất lượng cho các nhà máy xử lý thành nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân. Nhà máy cũng đóng góp có năm tới gần 50% số thu ngân sách của tỉnh. Với tầm quan trọng đó, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia.

Được thành lập từ năm 1962, Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình là đơn vị giữ vai trò rất quan trọng đối với đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hòa Bình. Với công suất cấp nước những ngày đầu chỉ đạt 1.000 m3/ngày đêm cho khu vực thị xã Hòa Bình, sau nhiều năm phát triển, đến nay mạng lưới cấp nước của đơn vị đã mở rộng ra khắp toàn bộ thành phố Hòa Bình và đến nhiều trung tâm huyện.

Tận dụng được lợi thế về vị trí địa lý với tài nguyên nước dồi dào chất lượng từ nguồn nước Sông Đà, tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình đã không ngừng nỗ lực áp dụng các công nghệ khai thác xử lý mới để cho ra những sản phẩm nước sạch chiếm được lòng tin và đánh giá rất cao của người dùng. Năm 2019, Nhà máy đã cung cấp gần 9 triệu m3 nước sạch ra thị trường thu về hơn 53 tỉ đồng. Dự kiến năm 2020, Nhà máy phấn đấu đạt sản lượng 9,4 triệu m3 nước, doanh thu 57,6 tỉ đồng.

Công ty Thủy điện Hòa Bình và Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình là hai trong nhiều đơn vị tiêu biểu được Sở TN&MT Hòa Bình đánh giá cao trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh những năm qua.

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước

Theo Sở TN&MT Hòa Bình, tài nguyên nước của tỉnh nằm trên lưu vực của 3 hệ thống sông lớn là sông Đà, sông Mã và sông Đáy với khoảng 400 sông, suối nhỏ. Trong đó, có khoảng 50% sông, suối có lưu lượng thường xuyên lớn hơn 3 l/s; tổng lượng dòng chảy của hệ thống sông, suối đạt khoảng 5 tỉ m3 nước. Trên các hệ thống sông, suối đã xây dựng hơn 500 hồ chứa thủy điện, thủy lợi; trong đó 41 hồ chứa có dung tích lớn hơn 1 triệu m3. Tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh khá đa dạng với có 21 tầng chứa nước; trong đó có 07 tầng chứa có trữ lượng bảo đảm cho khai thác với lưu lượng lớn để cấp nước cho khu dân cư, khu công nghiệp.

Với Hòa Bình, 'nước là tiền' - Ảnh 2
Ông Nguyễn Khắc Long.

Nói về những kết quả nổi bật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Khắc Long, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: những năm qua Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quan trọng như Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 26/5/2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 15/01/2018 của UBND tỉnh Quy định quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2969/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.

Cùng với đó, tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đến các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, đặc biệt vào dịp hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22/3 và Ngày Khí tượng thế gới 23/3 hàng năm. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư để cùng chung tay, đồng lòng trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và xả nước thải vào nguồn nước đúng quy định.

Đặc biệt, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 25/8/2017 triển khai thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đến nay, đã trình UBND tỉnh và Bộ TN&MT ban hành Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 75 cơ sở đang khai thác, sử dụng tài nguyên nước, với tổng số tiền phải nộp năm 2018 là hơn 93 tỉ đồng; năm 2019 là 94 tỉ đồng; dự kiến năm 2020 là trên 100 tỉ đồng.

Về những định hướng trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Long nhấn mạnh, Sở TN&MT Hoà Bình sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm theo thẩm quyền; tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tham gia lập các quy hoạch tài nguyên nước theo quy định của Luật Quy hoạch và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch tài nguyên nước được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiên các dự án phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh như: Lập danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định 167/2019/NĐ-CP ngày 26/12/2018; xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước tỉnh Hòa Bình theo Thông tư 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017; điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 15/01/2018 của UBND tỉnh...

Ngọc Lý - Trần Văn - Lưu Nguyên Sơn

Bạn đang đọc bài viết Với Hòa Bình, 'nước là tiền'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới