Vượt đói nghèo, Zimbabwe cam kết giảm 40% khí thải nhà kính vào 2030
Mặc dù vẫn nằm trong số những quốc gia nghèo nhất hành tinh, Zimbabwe đã thực sự nỗ lực khi mới đây, họ đã đưa ra cam kết giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Zimbabwe trước đó đã cam kết cắt giảm 33% lượng khí thải trong Khoản Đóng góp do Quốc gia tự xác định (NDC) đầu tiên vào năm 2017. NDC là kế hoạch không ràng buộc về hành động khí hậu do các nước đệ trình kể từ Thỏa thuận Paris năm 2016.
Mới đây, trong một nỗ lực hướng tới Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), quốc gia Nam Phi đã đưa ra cam kết mới, sẽ cắt giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Mục tiêu mới là tổng lượng phát thải khí nhà kính của Zimbabwe sẽ giảm xuống còn 44,7 triệu tấn carbon dioxide tương đương (Mt CO2e) vào năm 2030. Nếu không có hành động nào, lượng phát thải dự kiến sẽ đạt 75,4 triệu tấn CO2e vào thời điểm đó.
Theo ước tính cấp quốc gia gần đây nhất của NDC, phát thải năm 2017 của Zimbabwe là 35,84 triệu tấn CO2.
Nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất của Zimbabwe là lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp rồi mới đến lĩnh vực năng lượng. Sản xuất nhiệt điện là động lực chính gây phát thải của ngành năng lượng.
Các biện pháp giảm thiểu phát thải của Zimbabwe sẽ bao gồm việc trồng thêm 500.000 ha rừng vào năm 2025, bổ sung thêm 2.098 megawatt công suất điện thông qua các lưới điện siêu nhỏ (microgrid) vào năm 2028 và mở rộng công suất điện mặt trời.
Tuy nhiên, Zimbabwe đã cam kết riêng về việc tăng cung cấp điện và than cho ngành sắt thép, điều này sẽ làm tăng thêm lượng khí thải.
NDC nước này không đề cập đến kế hoạch hạn chế khai thác than hoặc nhiệt điện than.
Trong một lời kêu gọi được phát đi, gửi tới cộng đồng quốc tế, Zimbabwe cho biết việc tuân thủ các mục tiêu mới của mình là "hoàn toàn có điều kiện khi được hỗ trợ tài chính quốc tế, đầu tư, phát triển, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực".
Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) lần thứ 26 dự kiến diễn ra tại Glasgow, Scotland, từ ngày 31/10 đến ngày 12/11. Hiện, các cuộc vận động trước thềm hội nghị đang “nóng” dần lên khi các quốc gia lần lượt công bố các kế hoạch tham vọng của mình trong mục tiêu chung giảm phát thải khí nhà kính, tránh cho kịch bản nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C.
Nguyên Đỗ