Chủ nhật, 24/11/2024 08:22 (GMT+7)
Thứ tư, 01/12/2021 07:00 (GMT+7)

Xả thải không xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng, liệu mức phạt có đủ sức răn đe?

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay ngày càng nhiều doanh nghiệp ngang nhiên xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu cố tình vi phạm, lắp đặt thiết bị xả thải không xử lý ra môi trường, doanh nghiệp có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép môi trường.

Phạt tới 1,25 tỉ đồng doanh nghiệp chăn nuôi vi phạm môi trường

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Khánh Giang 1,25 tỉ đồng do vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, liên quan đến dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà (xã An Dũng, huyện Đức Thọ).

Theo kết quả xác minh của đoàn kiểm tra liên ngành ngày 23/11, Công ty TNHH Khánh Giang đã có 11 hành vi vi phạm trong quá trình triển khai tại dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà.

Xả thải không xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng, liệu mức phạt có đủ sức răn đe? - Ảnh 1
Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà bị xử phạt do vi phạm môi trường. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Cụ thể, công ty này không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường toàn bộ dự án; Không thực hiện quan trắc chất thải định kỳ; Thực hiện không đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường (đào 1 hố thu gom bằng đất để chứa nước thải từ 2 chuồng nuôi lợn ở phía Đông trang trại).

Bên cạnh đó, công ty không tiến hành thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định; Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ; Xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật; Không thực hiện báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất; Không lắp đặt thiết bị (đồng hồ) quan trắc, giám sát; Không thực hiện đúng nội dung quy định của giấy phép khai thác nước dưới đất…

Đáng chú ý, công ty Khánh Giang có hành vi xả nước thải tại vị trí miệng ống thoát nước thải của hồ xử lý nước thải thứ 2 sau bể biogas (trong quy hoạch chăn nuôi) có chứa các thông số môi trường thông thường (Colifom) vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày đến dưới 40 m3/ngày, quy định tại điểm d khoản 5 Điều 13 Nghị định 155/2016/NĐCP.

Xả nước thải tại vị trí hố thu gom, chứa nước thải bằng đất sau 2 chuồng nuôi phía Đông trang trại (ngoài quy hoạch chăn nuôi) có chứa các thông số môi trường thông thường (BOD5) vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5 m3/ngày đến dưới 10 m3/ngày, quy định tại điểm b khoản 6 Điều 13 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Ngoài xử phạt 1,25 tỉ đồng, Công ty TNHH Khánh Giang còn bị đình chỉ hoạt động tại dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà trong 6 tháng để khắc phục vi phạm.

Được biết, Công ty TNHH Khánh Giang thực hiện dự án trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà tại thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng trên diện tích hơn 27 ha, đi vào hoạt động từ năm 2015.

Mục tiêu của dự án nuôi bò với quy mô 500 con này nhằm phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng mô hình liên kết với các hộ dân, tạo việc làm, giúp người dân địa phương tăng thu nhập.

Tuy nhiên, thời gian gần đây công ty này tự ý chuyển đổi mục đích, từ chăn nuôi bò sang nuôi 1.646 con lợn thương phẩm trái phép. Hệ lụy là làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh.

Xả thải không xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng, liệu mức phạt có đủ sức răn đe? - Ảnh 2
Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành, địa phương liên quan đi kiểm tra thực tế tại trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Khánh Giang. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Theo Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, trách nhiệm bảo vệ môi trường là của mọi cá nhân, tổ chức và cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

"Việc có nhiều doanh nghiệp bị phạt tiền mới mức độ cao một mặt cho thấy các cơ quan đã kiên quyết hơn đối với hành vi vi phạm môi trường. Tuy nhiên, mặt khác cho thấy nhiều doanh nghiệp đang coi thường việc bảo vệ môi trường, sẵn sàng vì lợi ích mà đầu độc môi trường sống của người dân", Luật sư Huy An thông tin.

Sẽ phạt nặng hành vi xả chất thải không qua xử lý ra môi trường

Thông tin từ Bộ TN&MT cho biết, cơ quan đang chủ trì, biên soạn nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các quan điểm, nhận định đã được thống nhất tại cuộc họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với sự chủ trì của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân vừa qua.

Dựa trên tinh thần của Luật mới, với quan điểm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp; Những quy định đặt ra trong dựg thảo Nghị định phải rõ ràng, rành mạch, xử phạt nghiêm minh và có biện pháp khắc phục khả thi.

Đáng lưu ý, Tổ soạn thảo đã đưa vào dự thảo Nghị định các quy định xử phạt mới đối với các hành vi phạm quy định về Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, đánh giá tác động môi trường.

Vi phạm các quy định về xây dựng, vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường và vận hành công trình bảo vệ môi trường. Vi phạm quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Vi phạm Dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng...

Để đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi cố tình vi phạm, lắp đặt các thiết bị, đường ống xả hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, doanh nghiệp có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép môi trường.

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với các nhóm hành vi như: Xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường; Không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định và xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.

“Cần nhất quán quan điểm: Mức phạt phải đủ sức răn đe đối với hành vi cố tình vi phạm, hủy hoại môi trường. Sẽ nghiêm trị các hành vi như cố tình lắp đặt thiết bị, đường ống xả thải để thải chất thải không qua xử lý ra môi trường”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xả thải không xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng, liệu mức phạt có đủ sức răn đe?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới