Chủ nhật, 24/11/2024 08:31 (GMT+7)
Thứ năm, 06/02/2020 16:25 (GMT+7)

Xâm nhập mặn năm 2020 dự báo sẽ ở mức độ sâu, gay gắt hơn

Theo dõi KTMT trên

Từ đầu tháng 2 đến nay, mực nước trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ ở mức độ sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Xâm nhập mặn năm 2020 dự báo sẽ ở mức độ sâu, gay gắt hơn - Ảnh 1
Bản đồ dự báo phân bố độ mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong mùa khô năm 2020, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ ở mức độ sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở vùng vựa lúa số 1 Việt Nam có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016.

Mức nước trên dòng chính biến đổi chậm

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ đầu tháng 2/2020 đến nay, mực nước trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm. Hiện tại, mực nước tại các trạm thượng nguồn ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,7m.

Mực nước trên sông Nam Bộ dao động theo triều, trong đó mực nước sông Sài Gòn cao nhất tuần tại trạm Nhà Bè là 1,14m; mực nước trên sông Vàm Cỏ cao nhất tuần tại trạm Tân An đạt 1,10m. Riêng sông Tiền và sông Hậu, mực nước đang xuống theo triều, trong đó mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,15m, tại Châu Đốc 1,27m tương đương trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016.

Dự báo từ ngày 6-10/2, tại thượng lưu sông Mekong, mực nước thượng sẽ biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016 từ 0,2-0,7m.

Với diễn biến mực nước trên, mực nước trên sông Sài Gòn sẽ tiếp tục dao động theo triều. Theo đó, mực nước cao nhất tại trạm Nhà Bè ở mức 1,35m; mực nước trên sông Vàm Cỏ cao nhất tuần tại trạm Tân An ở mức 1,2m. Riêng sông Tiền và sông Hậu, mực nước xuống theo triều với mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,35m; tại Châu Đốc 1,45m thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,15-0,25m.

Mực nước triều vùng cửa sông Nam Bộ Trong các ngày từ 6-10/2 có xu hướng tăng nhẹ so với tuần trước. Cụ thể, ở trạm Sài Gòn mực nước triều ở mức 3,9m, ở Định An là 4,3m và Vũng Tàu ở mức 4,1m.

Về diễn biến xâm nhập mặn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong tuần từ 11-15/2, do ảnh hưởng của kỳ triều cường cường, xu thế xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao, chiều sâu ranh mặn 4g/l.

Cụ thể, trên Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn là 90-95km, tương đương cùng kỳ năm 2016; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 50-53km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3-5km; sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 71km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 11km; sông Cổ Chiên , phạm vi xâm nhập mặn 65km, tương đương cùng kỳ năm 2016...

Xâm nhập mặn năm 2020 dự báo sẽ ở mức độ sâu, gay gắt hơn - Ảnh 2
Đập cừ thép trên kinh xáng Rạch Giá-Hà Tiên tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương để ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo ở mức cấp độ 2.

Dự báo xâm nhập mặn ở mức sâu hơn

Với diễn biến mực nước nêu trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2 và tháng 3/2020 sẽ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 khoảng 5- 20%; mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.

Do đó, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016.

Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung trong tháng 2; các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3. Từ nửa cuối tháng 3-6/2020, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016.

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết Xâm nhập mặn năm 2020 dự báo sẽ ở mức độ sâu, gay gắt hơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới