Xâm nhập mặn sẽ giảm từ cuối tháng 4
Theo Tổng cục Thủy lợi, nhận định từ nửa cuối tháng 4-2020, xâm nhập mặn ở vùng các cửa sông Cửu Long khả năng sẽ giảm nhanh. Ðến đầu tháng 5-2020, xâm nhập mặn ở vùng các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn bắt đầu giảm.
Với tình hình này, việc xuống giống vụ hè thu có thể thực hiện đồng loạt từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi nguồn nước về thuận lợi, cần đề phòng tình trạng thiếu nước vào đầu vụ nếu mưa xuất hiện muộn.
Hiện, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Huyện có 29 trạm cấp nước sinh hoạt phục vụ 29.000 hộ dân nông thôn, trong đó, 21 trạm sử dụng nước ngầm, còn lại sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước Ðồng Tâm. Trong thời gian qua do nhu cầu sử dụng nước tăng cao, một số khu vực cuối nguồn nước chảy yếu, các trạm cấp nước phải luân phiên sử dụng nguồn nước từ các kênh trục, kênh nội đồng của vùng ngọt hóa Gò Công cho nên chất lượng nước thấp.
Theo Chi cục Thủy lợi An Giang, vụ hè thu này, toàn tỉnh xuống giống 230.000 ha. Tỉnh đang đẩy nhanh nạo vét hơn 125 tuyến kênh và sửa chữa cống phục vụ nước sản xuất và dân sinh, với kinh phí hơn 80 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tư hai trạm bơm, với diện tích phục vụ 590 ha và năm hệ thống thủy lợi sau hồ, với diện tích phục vụ 988 ha.
Tại TP Cần Thơ, các huyện: Thới Lai, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh và hai quận Ô Môn, Thốt Nốt… được cung cấp nguồn nước ngọt đầy đủ từ sông Hậu, ngành nông nghiệp lại tăng cường nạo vét kênh nội đồng, dự trữ nước phục vụ sản xuất lúa hè thu 2020. Nhờ đó, đến nay thành phố đã xuống giống lúa hè thu được hơn 70.000 ha, chiếm khoảng 90% kế hoạch.
Vụ lúa hè thu năm nay, tỉnh Ðồng Tháp xuống giống gần 200.000 ha và gần 20 nghìn ha rau màu. Ðể chủ động nguồn nước tưới vào cao điểm hạn hán, ngành nông nghiệp tỉnh đang thi công 15 công trình nạo vét các kênh tạo nguồn cấp nước chính, với tổng chiều dài 92,8 km. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã lên kế hoạch nạo vét cấp tốc các đoạn kênh dẫn tạo nguồn, với tổng chiều dài 115,3 km, khối lượng khoảng 1,55 triệu m3 đất.
Theo Trung Tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, tại khu vực Bắc Trung Bộ, phần lớn dung tích các hồ thủy lợi đạt từ 39 đến 77% dung tích thiết kế. Hầu hết mực nước các hồ thủy điện trong khu vực thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) từ 5 đến 16 m và có dung tích trữ thấp, chỉ đạt 61-83% dung tích hồ. Tại Nam Trung Bộ, phần lớn mực nước các hồ thủy điện ở mức thấp hơn MNDBT từ 1,5 đến 6 m. Dung tích các hồ đạt từ 40 đến 80%, một số hồ chỉ đạt từ 20 đến 40%. Tại Tây Nguyên, dung tích các hồ thủy lợi phổ biến đạt từ 30 đến 70% dung tích thiết kế. Mực nước các hồ thủy điện phổ biến thấp hơn MNDBT từ 0,5 đến 3,5 m; dung tích các hồ phổ biến đạt từ 50 đến 75%.
Nắng nóng kéo dài tạo thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh hại trên lúa phát triển, nhất là bệnh đạo ôn tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tại các tỉnh Bắc Bộ, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng, hại nặng trên giống nhiễm, ruộng bón thừa đạm và sẽ có nhiều ổ lụi trên trà lúa sớm - chính vụ tại các tỉnh, thành phố Thái Bình, Nam Ðịnh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Ðiện Biên…
Trong khi đó, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời; bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát sinh và gây hại nặng các giống lúa nhiễm trỗ trong tháng tư, tập trung tại các tỉnh Ninh Bình, Ðiện Biên, Lai Châu.
Tại Bắc Trung Bộ, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại trên trà lúa đông xuân muộn giai đoạn đứng cái làm đòng tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bệnh đạo ôn cổ bông, gié tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên trà lúa trỗ bông phơi màu, ngậm sữa tập trung tại các tỉnh Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh, gây hại tăng nhanh trên trà lúa giai đoạn trỗ bông - chín sữa tại các tỉnh trong vùng, có khả năng gây cháy lá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Ðể chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây vải, ngành nông nghiệp Hải Dương đề nghị UBND thành phố Chí Linh và UBND huyện Thanh Hà tăng cường bám sát địa bàn, dự báo chính xác mức độ gây hại của các loại sâu bệnh hại, khoanh vùng diện tích bị ảnh hưởng và chỉ đạo nông dân phòng trừ kịp thời.
Diện tích chè của Thái Nguyên hiện đạt 22.300 ha, năng suất đạt hơn 118 tạ/ha với sản lượng 235.000 tấn/năm. Trong đó có hơn 5.500 ha chè có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn. Ðến năm 2030, tỉnh dự kiến có 24.000 ha chè, trong đó 100% diện tích chè sản xuất tập trung tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; 100% sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông hộ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
PV và CTV