Chủ nhật, 24/11/2024 06:51 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/05/2021 18:00 (GMT+7)

Xây dựng chương trình phát triển thủy sản bền vững tại Quảng Ngãi

Theo dõi KTMT trên

Phát triển thủy sản là một trong những mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp và cần thực hiện lâu dài, huy động nhiều đầu mối, nguồn lực, vì vậy cần có tầm nhìn chiến lược, đảm bảo việc phát triển theo hướng căn cơ, bền vững.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở NN-PTNT tỉnh tham khảo thêm ý kiến của Bộ NN-PTNT để xác định và đề xuất việc xây dựng chiến lược phát triển thủy sản bền vững của tỉnh trong thời gian đến cho phù hợp.

Theo đó, Chương trình phát triển thủy sản bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 phải được nghiên cứu xây dựng bài bản, khoa học, lấy ý kiến đóng góp địa phương, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong tháng 9/2021.

Xây dựng chương trình phát triển thủy sản bền vững tại Quảng Ngãi - Ảnh 1
Nuôi trồng thủy sản trên vùng đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi có 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển và 1 huyện đảo, có có bờ biển dài hơn 130 km với 6 cửa biển lớn và trên 5.500 tàu đánh bắt thủy sản cùng với diện tích mặt nước ao hồ lớn nên tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản là rất lớn. Thực tế trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển ngành thủy sản của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong đó, về nguồn lợi thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi đang suy giảm cả số lượng, chất lượng. Do đó, cần phải tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chấm dứt tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và sử dụng ngư cụ cấm khai thác để khai thác thủy sản. Qua đó, quản lý triệt để khai thác ven bờ, phục hồi nguồn lợi thủy sản ven bờ. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Khu bảo tồn biển Lý Sơn mục tiêu trở thành khu sinh thái biển mang tính đa dạng sinh học cao phục vụ phát triển kinh tế biển thì cần phải khoanh vùng khu vực cấm đánh bắt thủy sản và nghiên cứu việc trồng và cấy san hô tại khu vực biển ven đảo Lý Sơn.

Tập trung đẩy mạnh việc nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền quy định, hạn chế việc nuôi tôm trên cát. Tận dụng tối đa các lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi để nghiên cứu, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng xã hội hóa, ưu tiên các hộ dân nghèo tại địa phương tham gia để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Đối với lĩnh vực chế biến thủy sản, tập trung củng cố các cơ sở chế biến đang có, có giải pháp xử lý triệt để các vấn đề về môi trường trước khi thải nước thải ra ngoài môi trường. Khuyến khích phát triển các kho lạnh trữ sản phẩm thủy sản, không cho phép đầu tư các cơ sở chế biến thủy sản tại các cảng cá.

Nuôi trồng thủy sản mặn, lợ ở Quảng Ngãi trong thời gian qua tuy có sự biến động tăng, giảm về diện tích và sản lượng qua từng năm nhưng nhìn chung đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại hiểu quả thiết thực cho người dân, tạo công ăn việc làm, không chỉ góp phần xoá đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho nhiều hộ, mặt khác góp phần đáng kể chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một số huyện, xã ven biển.

Bên cạnh đó, một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế (tôm hùm, cá bớp, cá bè vẫu, hàu Thái Bình Dương, ốc hương, hải sâm..) đã được đưa vào nuôi thành công tại Quảng Ngãi, nghề nuôi thủy sản biển bắt đầu phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Quảng Ngãi cũng đã đưa ra nhiều giải pháp phục vụ cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác thủy sản ven bờ, nghề lặn bắt hải sản sang các nghề khác thân thiện với môi trường; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá; Áp dụng công nghệ mới trong dự báo ngư trường, xác định vị trí hoạt động tàu thuyền, ứng dụng rộng rãi ngư cụ, thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt cũng như bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bảo đảm chất lượng; Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác thủy sản xa bờ để nâng cao hiệu quả nghề khai thác, giảm tổn thất khi xảy ra rủi ro.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng chương trình phát triển thủy sản bền vững tại Quảng Ngãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới